image

Bất cập trong các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công chứng…

08-11-2017 Tin tổng hợp
Ngày 24/9/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã và được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015 (sau đây viết tắt là Nghị định số 110/2013/NĐ-CP). Nghị định số 110/2013/NĐ-CP là cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác xử phạt vi phạm hành chính và có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bước phát triển và hoàn thiện hệ thống pháp luật, là công cụ hữu hiệu trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.Qua thực tiễn thi hành cho thấy, Nghị định số 110/2013/NĐ-CP đã góp phần trong việc duy trì, tăng cường trật tự, kỷ cương hành chính trong quản lý nhà nước về lĩnh vực tư pháp, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã trong phạm vi toàn quốc

               Tuy nhiên, hiện nay, một số văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở pháp lý cho việc ban hành Nghị định đã có nhiều thay đổi, có văn bản đã được ban hành mới, có văn bản được sửa đổi, bổ sung dẫn đến nhiều quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong Nghị định số 110/2013/NĐ-CP không còn phù hợp, cần phải sửa đổi, bổ sung. Đồng thời, tình hình vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự ngày càng gia tăng cả về tính chất và mức độ vi phạm. Một số quy định của pháp luật về các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự chưa rõ ràng, chế tài xử phạt chưa nghiêm, mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính quá thấp, các chế tài về thu hồi giấy phép hoạt động, tạm dừng, tạm đình chỉ hoạt động đối với các đơn vị được thành tra còn ít, chưa áp dụng được nhiều. Nhiều hành vi vi phạm trong các lĩnh vực luật sư, công chứng, hôn nhân và gia đình…chưa có chế tài xử phạt hoặc biện pháp xử phạt chưa tương xứng, tạo ra tâm lý coi thường pháp luật, coi thường sự quản lý nhà nước…


I. Những hạn chế, bất cập trong lĩnh vực công chứng


- Theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 67/2015/NĐ-CP sửa đổi điểm i khoản 2 Điều 13 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi “Công chứng văn bản từ chối nhận di sản trong trường hợp biết rõ người thừa kế từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác; công chứng việc từ chối nhận di sản quá thời hạn sáu tháng, kể từ ngày mở thừa kế.”. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 620 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì không còn quy định thời hạn từ chối nhận di sản. Do vậy, quy định tại Nghị định số 67/2015/NĐ-CP không còn phù hợp với quy định Bộ luật Dân sự. Do vậy, cần bãi bỏ hành vi vi phạm về việc “công chứng việc từ chối nhận di sản quá thời hạn sáu tháng, kể từ ngày mở thừa kế” tại Nghị định số 67/2015/NĐ-CP cho phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự.
- Tại điểm b khoản 1 và điểm h khoản 2 Điều 13 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP đều quy định về hành vi vi phạm không niêm yết hoặc niêm yết không đúng quy định về địa điểm, thời hạn, nội dung đối với văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, văn bản khai nhận di sản thừa kế. Tuy nhiên, mức xử phạt lại khác nhau, cụ thể tại khoản 1 Điều 13 quy định mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, nhưng tại điểm h khoản 2 Điều 13 lại quy định mức phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Vì vậy, cần xem xét lại về mức phạt đối với các quy định này.
- Khoản 14 Điều 1 Nghị định số 67/2015/NĐ-CP sửa đổi điểm b khoản 5 Điều 14 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính đối với “Cá nhân không đủ điều kiện hành nghề công chứng mà hành nghề công chứng dưới bất kỳ hình thức nào.”. Tuy nhiên, các cá nhân này không phải là công chứng viên nên quy định hành vi vi phạm này trong hành vi vi phạm của công chứng viên tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 67/2015/NĐ-CP là không phù hợp.
- Khoản 3 Điều 33 Luật Công chứng năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2015) yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng phải “Thực hiện chế độ làm việc theo ngày, giờ làm việc của cơ quan hành chính nhà nước”. Tuy nhiên, tại Điều 15 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP không quy định xử phạt hành vi tổ chức công chứng làm việc không tuân thủ đúng quy định về chế độ làm việc theo ngày, giờ làm việc của cơ quan hành chính nhà nước gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức, công dân đến giao dịch.
- Một số mức xử phạt trong lĩnh vực công chứng còn thấp, không phù hợp với tình hình kinh tế xã hội và chưa đủ tính răn đe đối với hành vi vi phạm, chẳng hạn như: mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về công chứng hợp đồng, giao dịch quy định tại tại khoản 1, 2 Điều 12; mức xử phạt đối với công chứng viên có hành vi “đồng thời hành nghề tại hai tổ chức hành nghề công chứng trở lên hoặc kiêm nhiệm công việc thường xuyên khác” quy định điểm g khoản 2 Điều 14 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67/2015/NĐ-CP.
- Một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực công chứng đã xảy ra trong thực tiễn nhưng chưa được quy định trong Nghị định như: hành vi thực hiện việc công chứng hợp đồng, giao dịch trên cơ sở các giấy tờ xác nhận thay cho giấy tờ hộ tịch theo quy định của pháp luật; hành vi cố ý ký hợp đồng công chứng đối với tài sản bị phong tỏa khi biết rõ có sự thay đổi thông tin liên quan đến tài sản bị phong tỏa; hành vi cạnh tranh không lành mạnh với các tổ chức hành nghề công chứng như tuyên truyền, nói xấu, hạ uy tín, thương hiệu của tổ chức công chứng khác; hành vi thu phí công chứng không đúng theo quy định của pháp luật; hành vi vi phạm quy định về hồ sơ, thủ tục khi công chứng; hành vi thỏa thuận chi tiền môi giới cho các tổ chức, cá nhân không đúng quy định của pháp luật để ép buộc người yêu cầu công chứng phải ký kết hợp đồng tại Văn phòng công chứng của mình; hành vi không lập phiếu yêu cầu công chứng khi thực hiện việc công chứng theo quy định…

 

         II. Đề xuất, kiến nghị
          Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, đồng thời để việc áp dụng được đồng bộ, hiệu quả, nhằm góp phần bảo đảm trật tự, kỷ cương hành chính, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, chúng tôi xin đưa ra một số đề xuất, kiến nghị sau: Thứ nhất, …Trong lĩnh vực công chứng: bổ sung các hành vi: hành vi thực hiện việc công chứng hợp đồng, giao dịch trên cơ sở các giấy tờ xác nhận thay cho giấy tờ hộ tịch theo quy định của pháp luật; hành vi cố ý ký hợp đồng công chứng đối với tài sản bị phong tỏa khi biết rõ có sự thay đổi thông tin liên quan đến tài sản bị phong tỏa; hành vi cạnh tranh không lành mạnh với các tổ chức hành nghề công chứng như tuyên truyền, nói xấu, hạ uy tín, thương hiệu của tổ chức công chứng khác; hành vi thu phí công chứng không đúng theo quy định của pháp luật; hành vi vi phạm quy định về hồ sơ, thủ tục khi công chứng; hành vi thỏa thuận chi tiền môi giới cho cấc tổ chức, cá nhân không đúng quy định của pháp luật để ép buộc người yêu cầu công chứng phải ký kết hợp đồng tại Văn phòng công chứng của mình; hành vi không lập phiếu yêu cầu công chứng khi thực hiện việc công chứng theo quy định…
          Thứ hai, cần quy định cụ thể, rõ ràng các hành vi vi phạm để đảm bảo tính khả thi của các quy định này trong thực tiễn.
          Thứ ba, cần xem xét, điều chỉnh tăng mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm để bảo đảm tính răn đe, ngăn chặn vi phạm hành chính và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.
          Thứ tư, cần sửa đổi, bổ sung các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính răn đe…
                                                                             

Trích của tác giả M.P

( Nguồn: trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, ngày 6/11/2017)