image

Kháng nghị hủy án vì nghi hợp đồng giả cách

30-10-2017 Tin tổng hợp
(PL)- VKSND Cấp cao tại TP.HCM vừa kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy toàn bộ hai bản án sơ, phúc thẩm trong vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa một ngân hàng và một công ty cổ phần dược phẩm...

Theo hồ sơ, trước đây ông HDQ đem giấy tờ chủ quyền một căn nhà ở phường 10, quận Tân Bình, TP.HCM thế chấp cho chi nhánh một ngân hàng (NH) để đảm bảo khoản vay 8 tỉ đồng của Công ty CP Dược VT (gọi tắt là Công ty VT). Đến hạn, Công ty VT không trả được nợ nên bị phía NH khởi kiện ra TAND quận 8 (nơi công ty có trụ sở).

Sơ thẩm tuyên vô hiệu, phúc thẩm công nhận

Quá trình giải quyết vụ án, TAND quận 8 đã triệu tập bà NCHX (người đang quản lý, sử dụng căn nhà thế chấp) và ông Q. tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Làm việc với tòa, bà X. có yêu cầu độc lập là yêu cầu tòa tuyên bố giao dịch hợp đồng chuyển nhượng nhà đất thế chấp giữa bà với ông Q. vô hiệu vì theo bà giao dịch này là giả cách nhằm che giấu giao dịch vay mượn tiền giữa bà với ông Q.

Xử sơ thẩm hồi tháng 9-2016, TAND quận 8 đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của phía NH, buộc Công ty VT cùng ông Q. phải liên đới trả hơn 9 tỉ đồng cho NH.

Về yêu cầu độc lập của bà X., tòa phân tích hợp đồng thỏa thuận ngày 7-10-2013 giữa bà X. với ông Q. có ghi bà X. mượn ông Q. 1,6 tỉ đồng, tài sản đảm bảo là giấy tờ chủ quyền nhà đất trên, đồng thời bà X. ký hợp đồng bán căn nhà cho ông Q. Cũng theo hợp đồng thỏa thuận này, nếu sau một năm bà X. trả hơn 1,8 tỉ đồng gồm gốc và lãi thì ông Q. sẽ trả lại giấy tờ nhà cho bà X. bằng hình thức hợp đồng mua bán hoặc tặng cho. Như vậy, việc ký hợp đồng mua bán căn nhà chỉ là hình thức đảm bảo việc cho mượn tiền.

Kháng nghị hủy án vì nghi hợp đồng giả cách - ảnh 1
Căn nhà liên quan trong vụ kiện. Ảnh: H.MẾN

Theo tòa, các bên không cung cấp được biên bản giao nhận nhà, hiện gia đình bà X. vẫn cư trú, sử dụng căn nhà. Căn cứ vào Điều 129 BLDS 2015 (khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác thì giao dịch giả tạo vô hiệu), tòa tuyên hợp đồng mua bán nhà giữa bà X. và ông Q. vô hiệu.

Tháng 3-2017, TAND TP.HCM xử phúc thẩm lại nhận định nội dung hợp đồng thỏa thuận giữa bà X. với ông Q. thuộc dạng thỏa thuận… chuộc lại tài sản đã bán. Bà X. không cung cấp được chứng cứ chứng minh sau ngày 7-10-2014 đã yêu cầu ông Q. tiến hành thủ tục trả lại giấy tờ nhà theo thỏa thuận.

Từ đó tòa phúc thẩm sửa án sơ thẩm, bác yêu cầu độc lập của bà X. về việc giao dịch mua bán nhà giữa bà và ông Q. vô hiệu. Tòa cũng tuyên buộc Công ty VT phải trả cho phía NH hơn 9 tỉ đồng. Trong trường hợp công ty không trả được nợ thì NH có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự phát mại căn nhà trên...

VKSND Cấp cao: Hợp đồng giả cách!

Không đồng ý với bản án phúc thẩm, bà X. làm đơn khiếu nại giám đốc thẩm. Mới đây, VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã có quyết định kháng nghị theo hướng hủy toàn bộ hai bản án sơ, phúc thẩm để giải quyết lại.

Theo VKSND Cấp cao tại TP.HCM, hợp đồng chuyển nhượng nhà đất giữa bà X. và ông Q. có dấu hiệu giả cách nhằm che đậy hợp đồng vay tiền giữa các bên. Tòa phúc thẩm đã đánh giá không khách quan các chứng cứ trong vụ án khi công nhận hợp đồng chuyển nhượng này.

Theo VKSND Cấp cao tại TP.HCM, cần đánh giá hợp đồng thỏa thuận ngày 7-10-2013 giữa bà X. và ông Q. một cách khách quan. Hơn nữa, hợp đồng mua bán giữa hai bên ghi giá trị mua bán chỉ có 1,6 tỉ đồng nhưng khi ông Q. đưa giấy chủ quyền nhà thế chấp thì được NH định giá tài sản lên đến 12 tỉ đồng. Như vậy, với giá trị căn nhà là 12 tỉ đồng mà bà X. lại bán cho ông Q. với giá 1,6 tỉ đồng là vô lý.

VKSND Cấp cao tại TP.HCM cũng yêu cầu phải làm rõ hiện trạng tài sản chuyển nhượng và việc thanh toán giao nhận tài sản giữa các bên để xác định giao dịch giữa bà X. và ông Q. có phải là hợp đồng giả cách nhằm che đậy hợp đồng vay tiền hay không.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có diễn tiến mới.

Thế chấp tài sản trong thời hạn chuộc là trái luật

Khoản 2 Điều 462 BLDS quy định trong thời hạn chuộc lại, bên mua không được bán, trao đổi, tặng cho, cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản, phải chịu rủi ro đối với tài sản. Như vậy, việc ông Q. thế chấp căn nhà cho phía NH trong thời hạn chuộc tài sản như nhận định của tòa phúc thẩm là trái luật. Mặt khác, như VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã phân tích, bà X. không thể bán căn nhà được thẩm định giá 12 tỉ đồng chỉ với 1,6 tỉ đồng. Đây là điều bất thường cần được làm rõ.

Luật sư NGUYỄN ĐỨC CHÁNHĐoàn Luật sư TP.HCM

HỒNG MẾN
Theo PLO.VN