Kiện thừa kế kèm yêu cầu hủy giấy hồng, ai xử?
Theo đơn khởi kiện, bà Th. trình bày rằng bà và ông H. (sinh năm 1963) là con nuôi của vợ chồng ông T. Sau khi ông T. chết, ông H. ra văn phòng công chứng lập văn bản khai nhận di sản của ông T. là một căn nhà trên đường Lạc Long Quân (phường 3, quận 11, TP.HCM).
Bổ sung yêu cầu hủy giấy hồng
Tại đây, ông H. khai ông là người con duy nhất của ông T. mà không nhắc gì đến bà Th., đồng thời vợ ông T. cũng tặng cho phần thừa kế của mình trong tài sản của chồng để lại cho ông H. Sau đó vợ chồng ông H. đã đến UBND quận 11 làm thủ tục sang tên nhà, đất cho vợ chồng ông.
Cho rằng mình cũng có một phần trong tài sản mà ông T. để lại nên bà Th. yêu cầu TAND quận 11 chia di sản thừa kế của ông T. Tháng 7-2015, TAND quận 11 đã ra thông báo thụ lý vụ án và xác định đây là quan hệ tranh chấp chia di sản thừa kế.
Đến tháng 6-2016, bà Th. làm đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện là hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mà UBND quận 11 đã cấp cho vợ chồng ông H.
Chuyển lên chuyển xuống
Lúc này, TAND quận 11 nhận định rằng vì nguyên đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện là hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở do UBND quận 11 cấp nên vụ kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa cấp tỉnh theo Luật TTHC 2015. Từ đó, tháng 9-2016, TAND quận 11 đã căn cứ vào khoản 4 Điều 34 và khoản 1 Điều 41 BLTTDS 2015 để chuyển hồ sơ vụ án lên TAND TP.HCM.
Sau khi thụ lý vụ án, tháng 4-2017, TAND TP đã chuyển hồ sơ về lại cho TAND quận 11.
Theo TAND TP, vụ án của bà Th. đã được TAND quận 11 thụ lý từ tháng 7-2015 (trước ngày 1-7-2016 là ngày Luật TTHC 2015 có hiệu lực). Đến ngày 7-6-2016, bà Th. bổ sung yêu cầu khởi kiện hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở (vẫn trước ngày 1-7-2016). Vì vậy, căn cứ vào khoản 4 Điều 34 BLTTDS 2015, khoản 5 Điều 1 Nghị quyết 104/2015 (hướng dẫn thi hành Luật TTHC 2015) thì tòa cấp huyện đã thụ lý vụ án phải tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung mà không chuyển cho tòa cấp tỉnh giải quyết.
Tòa TP chuyển lại là đúng
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều chuyên gia cho biết khoản 5 Điều 1 Nghị quyết 104/2015 quy định: “Đối với những khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện đã được TAND cấp huyện thụ lý giải quyết trước ngày 1-7-2016 thì tòa đã thụ lý tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung mà không chuyển cho TAND cấp tỉnh giải quyết”.
Như vậy, trong vụ án của bà Th., TAND quận 11 thụ lý ngày 6-7-2015, đến ngày 7-6-2016 bổ sung yêu cầu hủy giấy chứng nhận đều trước ngày Luật TTHC 2015 có hiệu lực nên thẩm quyền giải quyết vẫn thuộc về TAND quận 11. Trong trường hợp này, TAND TP chuyển hồ sơ về cho TAND quận 11 giải quyết là đúng theo quy định của pháp luật.
Được biết sau khi TAND TP.HCM chuyển hồ sơ về, TAND quận 11 đã tiếp tục thụ lý vụ án và đang tiến hành triệu tập các đương sự để giải quyết.
Trước đây, ở thời điểm Luật TTHC 2015 mới có hiệu lực, rất nhiều tòa địa phương lúng túng vì gặp trường hợp sau: Tòa thụ lý vụ việc dân sự trước ngày luật này có hiệu lực (1-7-2016) và đương sự chưa có yêu cầu hủy quyết định cá biệt của UBND cấp huyện. Tuy nhiên, sau ngày 1-7-2016, đương sự có yêu cầu hủy quyết định cá biệt của UBND cấp huyện thì tòa cấp huyện hay tòa cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự đó? Sau khi được tòa các cấp phản ánh, TAND Tối cao đã ban hành Công văn 01/2017 giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ, trong đó có giải đáp vấn đề thắc mắc nêu trên tại Tiểu mục 2 Mục IV. Theo đó, trường hợp vụ việc dân sự do tòa cấp huyện thụ lý trước ngày 1-7-2016 nhưng kể từ ngày 1-7-2016 mới phát sinh yêu cầu hủy quyết định cá biệt của UBND cấp huyện mà quyết định đó rõ ràng trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và phải hủy quyết định đó mới đảm bảo giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự thì căn cứ khoản 4 Điều 34 BLTTDS 2015, khoản 5 Điều 1 Nghị quyết 104/2015 của Quốc hội về việc thi hành Luật TTHC 2015, tòa cấp huyện đã thụ lý tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung mà không chuyển cho tòa cấp tỉnh giải quyết. |