“LUẬT TRÊN TRỜI, CUỘC ĐỜI Ở DƯỚI ĐẤT” - CCV. Nguyễn Trí Hoà
Thực trạng này có thật, không phải là ít, nên đã có một số người, không biết “có quá” không, nhưng thường nói vui: “ Luật trên trời, cuộc đời ở dưới đất”. Sau đây chỉ là một số ví dụ, chắc chắn nhiều người đã biết, hy vọng sẽ có nhiều bạn có nhiều ví dụ phong phú tiếp theo, để chung tay cùng cơ quan có thẩm quyền ngày càng hoàn thiện pháp luật nói chung, qua đó cũng chính là góp thêm phần an toàn cho công chứng viên trong quá trình hành nghề.
- Việc đeo thẻ của công chứng viên
Nguyên tắc chung có tính phổ quát là: “ Cán bộ, công chức, viên chức phải đeo thẻ khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ”( nội dung này đã được ghi nhận tại khoản 1, điều 6 Quyết định số 06/2008/QĐ-BNV ngày 22/12/2008 của Bộ Nội vụ quy định mẫu thẻ và việc quản lý, sử dụng thẻ cán bộ, công chức, viên chức). Tuy nhiên, nếu bạn là Trưởng phòng( theo quy định là công chức), Phó phòng hoặc công chứng viên( theo quy định là viên chức) công tác trong các Phòng công chứng thì bạn còn phải “đeo thẻ công chứng viên khi tiếp người yêu cầu công chứng hoặc chứng thực”. Nếu bạn không đeo thẻ công chứng viên, bạn sẽ bị phạt từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo quy định tại điểm e, khoản 9, điều 14 Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/08/2015 của Chính phủ “ Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã”.
Như vậy, phải chăng, trong trường hợp trên, cùng một lúc, bạn phải đeo song song 02 thẻ( thẻ công chức, viên chức đã có hướng dẫn cách thức, vị trí đeo; còn thẻ công chứng viên chưa có quy định đeo ở đâu) nếu bạn không đeo thẻ công chứng viên, bạn sẽ bị phạt, có khi bằng lương cả tháng của bạn!?
2.Công chứng Giấy uỷ quyền
Ngày 15/06/2015, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 06/2015/TT-BTP “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật công chứng”, kèm theo Thông tư là các mẫu giấy tờ, sổ và lời chứng của công chứng viên. Tuy có rất nhiều mẫu lời chứng, nhưng không thấy có mẫu lời chứng Giấy uỷ quyền, mặc dù, Giấy uỷ quyền trong thực tế, công chứng thực hiện khá thường xuyên, như: uỷ quyền đại diện ra Toà, uỷ quyền đóng thuế, xoá giao dịch bảo đảm vv…Từ quy định này, rất nhiều công chứng viên hết sức băn khoăn, không hiểu có còn được công chứng Giấy uỷ quyền nữa không? nếu còn thì Lời chứng của công chứng viên trong Giấy uỷ quyền sẽ như thế nào?( nếu “tự chế” lời chứng, liệu có bị phạt theo quy định của Nghị định về xử phạt vi hành chính hay không?). Bởi vậy, nên hiện nay, có Tổ chức hành nghề công chứng(TCHNCC) vẫn còn công chứng Giấy uỷ quyền, có TCHNCC không công chứng Giấy uỷ quyền( tất cả đều chuyển sang dạng Hợp đồng uỷ quyền). Nói chung mỗi nơi một kiểu.
Riêng tại Phòng công chứng số 1, thay vì chứng Giấy ủy quyền sẽ chuyển thành Hợp đồng ủy quyền (theo thủ tục công chứng); nếu không chuyển sang Hợp đồng ủy quyền được thì chứng Giấy ủy quyền (chứng chữ ký, theo thủ tục chứng thực) nếu việc ủy quyền này không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường và không liên quan đến bất động sản, theo quy định tại khoản 4 Điều 24 NĐ 23 và nội dung giấy tờ ủy quyền không phải là hợp đồng, giao dịch theo khoản 4 Điều 25 NĐ 23. Tuy nhiên, cách thực hiện này, chúng tôi cũng băn khoăn, không biết chính xác là đúng hay không đúng?
3.Công chứng Hợp đồng uỷ quyền được ký ở hai nơi
Khoản 2 điều 55 Luật công chứng quy định:“ Trong trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền; bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền”.
Quy định trên, thực tế thực hiện gặp một số vướng mắc sau:
*Một: Đối với hợp đồng ủy quyền do cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài chứng nhận thì có được chứng thụ ủy quyền không?(theo chúng tôi là được, tuy nhiên, nếu xem kỹ khoản 2 điều 55, thì chưa chắc được vì hợp đồng trên do cơ quan ngoại giao chứ không phải do TCHNCC thực hiện).
* Hai: Khoản 2 điều 55 Luật công chứng quy định “ bên được ủy quyền...nơi họ cư trú công chứng tiếp”. Vậy, phải chăng khi chứng dạng này, công chứng lại “xét” bên thụ ủy quyền phải có “ cư trú”(tức có HKTT hoặc tạm trú tại địa phương có trụ sở của TCHCC chứng nhận thụ ủy quyền) thì mới đủ điều kiện công chứng( hiểu như vậy e liệu có “máy móc”? nhưng “soi” luật thì rõ ràng đã quy định như vậy).
* Ba: Trong trường hợp công chứng ủy quyền hai nơi như đề cập ở trên, nếu sau này sữa đổi, bổ sung, và nhất là hủy bỏ HĐUQ thì sẽ thực hiện như thế nào? Đến nay, Luật chưa quy định hướng dẫn trường hợp này, nên rõ ràng hết sức lúng túng.
4. Có được công chứng cầm cố đất đai hay không?
Khoản 2 điều 310 BLDS 2015 về “ Hiệu lực của cầm cố tài sản” có quy định: “ Trường hợp bất động sản là đối tượng của cầm cố theo quy định của luật thì việc cầm cố bất động sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký” .
Quy định trên có nghĩa, đất đai - là bất động sản, theo quy định của điều 107 BLDS 2015- được pháp luật thừa nhận là đối tượng của giao dịch cầm cố tài sản. Tuy nhiên, khoản 1 điều 167 Luật đất đai 2013 quy định:“Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này”. Như vậy, Luật đất đai hiện hành cũng không có quy định quyền cầm cố quyền sử dụng đất của người có quyền sử dụng đất hợp pháp.
Sự không đồng nhất trên, giữa quy định của BLDS và Luật đất đai, CCV sẽ giải quyết như thế nào?(*)
5. Có được công chứng thanh lý, chấm dứt hợp đồng giao dịch không?
Bộ luật dân sự có quy định thanh lý, chấm dứt hợp đồng( theo thoả thuận của các bên và đơn phương của 01 bên) còn Luật Công chứng 2014( Điều 51) chỉ có quy định về “ Công chứng việc sữa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch”.
Vậy, ngoài việc công chứng sữa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hợp đồng theo quy định của Luật công chứng thì công chứng viên có được công chứng thanh lý, chấm dứt hợp đồng giao dịch theo quy định của BLDS không? Nếu có công chứng, thì có giới hạn về thẩm quyền theo như quy định của Điều 51 Luật công chứng hay không?(**)
6. Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên
Luật công chứng có 01 điều và Nghị định 29 có 01 Chương gồm 04 điều quy định về việc mua bảo hiểm. Theo đó, việc mua bảo hiểm là bắt buộc và mức mua “không được thấp hơn 03 triệu đồng một năm cho một công chứng viên”.
Quy định trên có phần chưa chuẩn xác vì việc mua bảo hiểm thường là mua cho tổ chức(TCHNCC) chứ không phải mua cho cá nhân CCV( cá nhân biến động thường xuyên, còn tổ chức hiếm biến động). Đồng thời thực tế, việc thực hiện quy định trên cũng rất khó khăn. Các đơn vị bán bảo hiểm thì rất nhiều, rất đa dạng( trong nước có, nước ngoài, liên doanh, liên kết đều có) và mỗi đơn vị có một quy tắc bảo hiểm riêng, nhưng chưa có đơn vị nào có quy tắc riêng về bảo hiểm nghề nghiệp của CCV. Nên khi ký hợp đồng bảo hiểm, giả sử muốn sữa, bổ sung thêm( phần đối tượng và phạm vi bảo hiểm) là Luật công chứng và Nghị định của Chính phủ hướng dẫn Luật công chứng, nhưng không có đơn vị bảo hiểm nào chấp nhận cả. Vì họ cho rằng Quy tắc bảo hiểm đó, theo mẫu, đã được Bộ Tài chính phê duyệt. Vậy, vấn đề đặt ra, nếu có sự kiện bảo hiểm xảy ra và sự kiện đó không nằm trong các trường hợp được bảo hiểm của Quy tắc nhưng lại nằm trong trường hợp được bảo hiểm của Điều 20, Nghị định 29 thì sẽ giải quyết như thế nào? Ai là người phải chịu trách nhiệm bồi thường?
Từ thực tế trên xin đề nghị Chính phủ sữa lại mức phí bảo hiểm và Bộ Tư pháp nên sớm xây dựng để cùng với Bộ Tài chính ban hành Quy tắc chung về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho CCV áp dụng thống nhất chung cho cả nước( tương tự như quy tắc bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; bảo hiểm hàng không… mà Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính đã ban hành).
Tp. Hồ Chí Minh tháng 10/2017 - CCV Nguyễn Trí Hoà.
*, **: Đừng vội nghĩ rằng, việc trên là dễ, bởi đã được quy định tại Điều 4 BLDS 2015 và Điều 156 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, vì thực tế đã có rất nhiều vụ việc có cách hiểu, áp dụng pháp luật khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng liên quan đến công tác công chứng; có những vụ án dân sự kéo dài gần 10 năm, qua rất nhiều cấp xét xử, đã có 7-8 Bản án, nhưng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.