image

Tranh chấp tín dụng tại Agribank: Yếu nghiệp vụ hay "loại bỏ" vai trò của bên thứ ba?

12-10-2017 Tin tổng hợp
PLBD - Mặc dù Hợp đồng tín dụng có tài sản thế chấp của bên thứ 3 nhưng khi thực hiện ký kết các hợp đồng tín dụng với bên được thế chấp, Ngân hàng Agribank đã “loại bỏ” vai trò tham gia ký kết của bên thế chấp. Rủi ro xảy ra, ai là người gánh chịu?

Ký hợp đồng tín dụng “chui”?

Theo Bản án Phúc thẩm số 42/2017/DS-PT ngày 24/3/2017 về việc Tranh chấp phát sinh từ “Hợp đồng tín dụng” của TAND TP. Hà Nội thì: Do quen thân, vợ chồng ông Nguyễn Văn Mịnh và bà Nghiêm Thị Mai dùng tài sản của mình là QSD đất tại thửa đất số 153, tờ bản đồ số 8, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội (nay là phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm) để thế chấp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự cho Công ty CP Thương mại và Sản xuất Huỳnh Anh (Cty Huỳnh Anh – số 9 tổ 44 phường Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) do ông Trương Mạnh Huỳnh là Giám đốc, để vay vốn của Ngân hàng Agribank. Thửa đất này đã được UBND huyện Từ Liêm cấp GCNQSD đất ngày 23/4/2004.

Tranh chấp tín dụng tại Agribank: Yếu nghiệp vụ hay
Bản án Phúc thẩm số 42/2017/DS-PT ngày 24/3/2017 về việc Tranh chấp phát sinh từ “Hợp đồng tín dụng” của TAND TP. Hà Nội

Ngày 14/7/2010, “Hợp đồng thế chấp bằng tài sản của bên thứ ba” được ký kết giữa 3 bên: Ngân hàng Agribank chi nhánh Cầu Giấy, vợ chồng ông Nguyễn Văn Mịnh và bà Nghiêm Thị Mai (bên bảo lãnh), Cty Huỳnh Anh (bên vay). Thời gian thế chấp là 5 năm, số tiền thế chấp tối đa là 4,8 tỷ VND. Ngân hàng định giá là 8 tỷ VND.

Đặc biệt, tại Khoản 3, Điều 2 của hợp đồng này ghi: “Các điều kiện chi tiết về việc vay và cho vay số tiền nói trên (tối đa là 4,8 tỷ VND) sẽ được ghi cụ thể trong hợp đồng tín dụng và các giấy tờ về nghiệp vụ ngân hàng mà Bên vay, Bên thế chấp và Bên ngân hàng sẽ ký tại trụ sở Ngân hàng”.

Tuy nhiên, từ ngày 18/10/2010 đến ngày 24/5/2012, giữa Ngân hàng Agribank chi nhánh Cầu Giấy và Cty Huỳnh Anh đã thực hiện ký kết 04 Hợp đồng tín dụng với tổng số tiền vay lên đến 20 tỷ 850 triệu đồng, trong đó có tài sản thế chấp của vợ chồng ông Mịnh và bà Mai.

Ông Mịnh cho biết: Họ (Ngân hàng và Cty Huỳnh Anh – PV) đã ký “chui” với nhau. Theo cam kết tại Khoản 3, Điều 2 của Hợp đồng thì Bên thế chấp (vợ chồng tôi) phải được biết số tiền Cty Huỳnh Anh vay cụ thể là bao nhiêu? Đồng thời, vợ chồng tôi bắt buộc phải tham gia ký kết trên tất cả các Hợp đồng tín dụng, các giấy tờ về nghiệp vụ cho vay của Ngân hàng có liên quan đến tài sản thế chấp của vợ chồng tôi. Thế nhưng, Ngân hàng Agribank đã phá vỡ cam kết, tự ý ký kết nhiều hợp đồng tín dụng với Cty Huỳnh Anh mà không có bất cứ sự thông báo nào cho vợ chồng tôi biết, không có bất kỳ chữ ký nào của vợ chồng tôi.

Ông Mịnh cho biết thêm: Sau khi ký hợp đồng thế chấp, tôi không thấy Ngân hàng gọi đến để ký các giấy tờ nào khác nên tôi cho rằng: Chưa phát sinh các giao dịch bảo lãnh bởi Agribank chưa cho Cty Huỳnh Anh vay tiền và tôi không có ý kiến gì.

Hơn nữa, thời gian bảo lãnh đã quá 60 tháng và Ngân hàng Agribank đã bán nợ cho Cty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nên để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng tôi, tôi đã khởi kiện buộc Cty VAMC trả lại GCNQSD đất gốc cho vợ chồng tôi, Tòa tuyên tôi không có nghĩa vụ phải trả nợ cho Cty Huỳnh Anh.

Không được ủy quyền cho pháp nhân

Bị đơn của vụ án này là Cty VAMC bởi Cty VAMC đã mua lại khoản nợ xấu này từ phía Agribank. Tại bản án số 42, đại diện Cty VAMC lập luận rằng: Sau khi ký “Hợp đồng thế chấp bằng tài sản của bên thứ ba” giữa 3 bên, ngày 15/7/2010, ông Mịnh và bà Mai đã viết “Giấy cam kết ủy quyền sử dụng tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng” cho Cty Huỳnh Anh.

Tranh chấp tín dụng tại Agribank: Yếu nghiệp vụ hay
Quyết định hoãn thi hành án của Chi cục thi hành án Dân sự quận Hoàn Kiếm

Căn cứ Giấy ủy quyền trên, Cty Huỳnh Anh và Agribank đã ký một số hợp đồng tín dụng về việc cho vay vốn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sau này, ông Mịnh và bà Mai đã nhiều lần làm việc với Agribank về việc trả nợ thay cho Cty Huỳnh Anh. Do vậy, ông Mịnh và bà Mai đã thừa nhận nghĩa vụ bảo lãnh đối với khoản vay của Cty Huỳnh Anh và phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với các khoản vay này.

Ông Trương Mạnh Huỳnh – nguyên Giám đốc Cty Huỳnh Anh cho biết: Giấy ủy quyền là do phía Ngân hàng soạn sẵn và yêu cầu tôi đưa cho anh Mịnh, chị Mai ký cùng Cty Huỳnh Anh xác nhận để gửi cho Ngân hàng…. Tôi không rõ nội dung giấy ủy quyền này là như thế nào?

Về tính chất pháp lý của Giấy ủy quyền, bản án sơ thẩm số 09/2016/DS-ST ngày 02/12/2016 của TAND quận Hoàn Kiếm đã phân tích rất rõ. Bản án nêu: Về hình thức, Giấy ủy quyền này không được công chứng, chỉ viết tay giữa hai bên. Về nội dung, ông Mịnh và bà Mai (cá nhân) ủy quyền Cty Huỳnh Anh (pháp nhân) không đúng với quy định tại Điều 139, điều 143 của Bộ luật Dân sự 2005. Đó là: Người đại diện ủy quyền chỉ có thể là cá nhân (là một người) chứ không thể là pháp nhân. Vì vậy, Giấy ủy quyền này bị vô hiệu về cả phần hình thức lẫn nội dung.

Hoãn thi hành án theo đơn của Agribank

Cả án Sơ thẩm và Phúc thẩm đã chấp nhận đơn khởi đơn khởi kiện của ông Mịnh và bà Mai đối với Cty VAMC. TAND TP. Hà Nội  xác định ông Mịnh và bà Mai không phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với Hợp đồng tín dụng được ký giữa Ngân hàng Agribank và Cty Huỳnh Anh.

Đồng thời, TAND TP. Hà Nội yêu cầu Cty VAMC có nghĩa vụ hoàn trả cho ông Mịnh và bà Mai bản gốc Giấy CNQSD ký hiệu S 763417 vào sổ số 01898/QSDĐ/754/QĐUBH ngày 23/4/2004 của UBND huyện Từ Liêm.

Ngày 18/4/2017, Chi cục thi hành án Dân sự quận Hoàn Kiếm ban hành Quyết định thi hành án số 21/QĐ-CCTHADS. Quyết định này buộc Cty VAMC có nghĩa vụ hoàn trả cho ông Mịnh và bà Mai bản gốc Giấy CNQSD đã thế chấp nêu trên.

Tuy nhiên, việc thi hành án đang được từng bước thực hiện thì ngày 17/7/2017,  Chi cục thi hành án Dân sự quận Hoàn Kiếm lại ban hành Quyết định số 02/QĐ-CCTHADS về việc hoãn thi hành án.

Lí do hoãn thi hành án được nêu tại Công văn số 08/TANDCC-DS ngày 14/7/2017 của TAND Cấp cao tại Hà Nội nêu: TAND Cấp cao tại Hà Nội nhận được đơn của Ngân hàng Agribank đề nghị đơn vị xét lại theo thủ tục Giám đốc thẩm và hoãn thi hành án đối với bản án số 42. Do vậy, Đơn vị này đã yêu cầu Chi cục thi hành án Dân sự quận Hoàn Kiếm hoãn thi hành bản án này. Thời hạn hoãn thi hành án là 3 tháng để có thời gian xem xét lại Bản án.

Ông Mịnh bức xúc: Tất cả những sự việc nêu trên đã thể hiện sự thiếu minh bạch, bất chấp pháp luật, lừa dối và đi ngược với lòng tin của khách hàng của Agribank và hiện nay là VAMC.

Đề nghị các đơn vị liên quan sớm xem xét một cách thấu tình, đạt lý kiến nghị trên của người dân và trả lời cho công luận biết.

PHƯƠNG LINH 

Theo PL&BĐ