image

CÔNG CHỨNG VIÊN VỚI VAI TRÒ LÀ BỔ TRỢ VIÊN TƯ PHÁP

16-08-2017 Hoạt động chuyên môn
MICHEL CORDIER – Chủ tịch danh dự Hội đồng công chứng tối cao Pháp Trong hệ thống luật Anh-Mỹ, khi soạn thảo hợp đồng, các bên gặp nhau, có sự trợ giúp của người tư vấn riêng của mình và khi có tranh chấp hoặc khó khăn trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên yêu cầu sự can thiệp của thẩm phán. Còn hệ thống luật Châu Âu lục địa chủ yếu dựa trên các quy định pháp luật thành văn nằm trong các bộ luật. Pháp luật điều chỉnh các quan hệ hợp đồng và Nhà nước, với tư cách là người bảo vệ quyền lợi của các cá nhân và an toàn pháp lý của các quan hệ hợp đồng, uỷ quyền cho một nhà chuyên nghiệp do mình bổ nhiệm và giám sát để thực hiện chức năng đó.

Chúng ta đều biết rằng nhà chuyên nghiệp đó chính là công chứng viên. Với sự can thiệp của công chứng viên, thủ tục tư pháp có một ngoại lệ vì nhiệm vụ của công chứng viên là phải rất thận trọng trước khi thực hiện hợp đồng để đảm bảo tính hợp pháp của hợp đồng, sự công bằng trong hợp đồng và cả việc bảo quản hợp đồng. Như vậy, công chứng viên giữ vai trò chủ chốt để đảm bảo trật tự pháp lý, đó là vai trò bổ trợ tư pháp, một vai trò mà tôi gọi là thẩm phán về hợp đồng, nhằm phòng ngừa tranh chấp.

Tôi cho rằng chính vai trò mang tính chất phòng ngừa này của công chứng viên là một điểm thuận lợi trong hệ thống luật thành văn so với hệ thống luật Anh-Mỹ. Trong hệ thống Anh-Mỹ, ngoài điều bà SPINOZI đã nói rằng dịch vụ công chứng là một loại dịch vụ pháp lý hai tốc độ, còn có một điểm đặc trưng nữa là trong một môi trường hoàn toàn tự do và khắc nghiệt, với nhu cầu tiên quyết là tìm kiếm lợi nhuận, dịch vụ pháp lý thực sự là một loại hàng hoá chịu sự điều tiết của quy luật kinh tế thị trường, của cơ chế cạnh tranh nên phải được đem ra trao đổi, mua bán, phải nâng cao thị phần và trên cơ sở đó, mặt hàng này phải được quảng cáo và không tuân thủ một biểu giá nào cả. Nhưng cùng với dòng chảy của thời gian, người ta phát hiện ra rằng dịch vụ pháp lý đi theo quy luật này đã nhanh chóng kéo theo những hậu quả tai hại. Việc chạy theo các yêu cầu về bồi thường thiệt hại đã làm cho hệ thống dịch vụ này thực sự trở thành một cỗ máy làm phát sinh tranh chấp, tiêu tốn một khoản chi phí rất lớn trong nền kinh tế của một đất nước, ngoài ra còn phải tính đến chi phí bảo hiểm phát sinh từ việc chạy theo các khoản tiền bồi thường thiệt hại.

Tôi xin nêu một vài số liệu chính thức được công bố trong một báo cáo mà Phó Tổng thống Mỹ đã gửi cho Thượng Nghị viện, báo cáo này được làm năm 1991. Trong 5 năm, số lượng các tranh chấp về hợp đồng tăng từ 25 đến 27% hàng năm. Hoạt động của mỗi luật sư Mỹ dẫn đến việc phải trích một phần ngân sách của Nhà nước, kể cả các chi phí bảo hiểm, trung bình là 1 triệu đô la tính trên một luật sư. Chính quyền Mỹ rất quan tâm đến vấn đề này nhưng cho tới nay vẫn chưa tìm được giải pháp trước tình hình diễn biến rất sôi động. Còn ở Anh, cũng có tình trạng như vậy.

Trong 20 năm, số lượng các tranh chấp về bất động sản đã tăng từ 10 lên 30% và cuộc chiến về giá cả, sự phá giá giữa các nhà chuyên nghiệp đã kéo theo những hậu quả đặc biệt tai hại đối với chất lượng dịch vụ và là nguyên nhân làm phát sinh ngày càng nhiều tranh chấp. Những số liệu nói trên chỉ có thể làm cho các công chứng viên ở Pháp và ở tất cả các nước khác ở Châu Âu nói chung hơi lo ngại vì tỷ lệ các văn bản công chứng bị tranh chấp trên toàn Châu Âu không cao hơn 6/10.000. Như vậy, các bạn thấy rằng mỗi hệ thống có những truyền thống, thói quen văn hoá riêng với những thuận lợi và bất cập riêng nhưng phải nói rằng hệ thống Anh-Mỹ đã làm tê liệt các sáng kiến cá nhân và là một hệ thống trong đó phần thắng thuộc về kẻ mạnh, đây là một trường phái hoàn toàn trái ngược với hệ thống luật thành văn. 

Chức năng của công chứng viên, nhiệm vụ cơ bản của công chứng viên là chứng thực các hợp đồng. Chứng thực là khái niệm chủ chốt trong nghề công chứng. Chứng thực là xác nhận sự thoả thuận giữa các bên, là xác minh tính hợp pháp của thoả thuận đó, xác minh các bên giao kết, có đúng những người có mặt chính là đại diện của các bên để ký hợp đồng không, xác minh thẩm quyền, năng lực pháp luật của các bên, kiểm tra xem trong hợp đồng có chứa những điều khoản có nội dung mà pháp luật cấm không, kiểm tra xem việc ký kết hợp đồng có tuân thủ tất cả các trình tự, thủ tục cần thiết không. Ngoài ra, công chứng viên còn phải ký vào hợp đồng, ghi vào hợp đồng ngày tháng chính xác của việc ký kết, thừa nhận giá trị chứng cứ của hợp đồng, hiệu lực thi hành của hợp đồng. Công chứng viên có các đặc quyền trên là do có sự uỷ quyền của Nhà nước, điều đó làm nên sự khác biệt cơ bản giữa văn bản công chứng và văn bản tư chứng thư.  Nhiệm vụ cơ bản của công chứng viên là chứng thực hợp đồng kéo theo một số nhiệm vụ bổ sung khác:

Thứ nhất, công chứng viên có nghĩa vụ tư vấn một cách công minh cho các bên giao kết hợp đồng, lưu ý họ về phạm vi, các hệ quả, rủi ro mà hợp đồng có thể đặt ra để bảo vệ lợi ích của tất cả các bên trong hợp đồng, dù đó là bên bán hay bên mua. Với nghĩa vụ tư vấn này, công chứng viên không chỉ làm nhiệm vụ cùng ký vào hợp đồng, xác nhận ý chí của các bên trong hợp đồng, mà còn có nhiệm vụ giúp đỡ các bên thể hiện ý chí đó trong hợp đồng, lựa chọn các thể thức ký kết hợp đồng phù hợp tuỳ thuộc vào mục đích của hợp đồng, vào các quy định pháp luật áp dụng cho hợp đồng, thông tin cho các bên biết về những hệ quả pháp lý, thuế khoá mà hợp đồng đặt ra (ở những nước phát triển, những hệ quả về thuế rất quan trọng). Như vậy, công chứng viên giữ một vai trò mang tính xã hội vì công chứng viên phải có trách nhiệm quan tâm đến các lợi ích vật chất, kinh tế cũng như tinh thần của khách hàng dù khách hàng là một cá nhân, hộ gia đình hay một doanh nghiệp.

Thứ hai, công chứng viên có nhiệm vụ hoà giải sự bất đồng về quan điểm của các bên trong quá trình soạn thảo hợp đồng, để đảm bảo sự công bằng trong hợp đồng, đảm bảo tôn trọng quyền lợi chính đáng của mỗi bên giao kết. Yêu cầu về hợp đồng công bằng là một yêu cầu rất quan trọng của công chứng, do vậy, công chứng viên thực sự giữ vai trò trọng tài và hoà giải các bên. Điều này nhằm mục đích tránh xảy ra tranh chấp hợp đồng sau này. 

Thứ ba, công chứng viên có nhiệm vụ bảo quản các văn bản. Công chứng viên phải cấp bản sao có chứng thực của các văn bản do mình ký. Các văn bản do công chứng viên lập là các văn bản công, không thuộc sở hữu của công chứng viên, của các bên mà thuộc về kho lưu trữ của Nhà nước. Hôm qua, chúng tôi đã có dịp đi thăm một phòng công chứng của thành phố Hồ Chí Minh, một phòng công chứng rất lâu đời tồn tại từ năm 1832, có những tài liệu tham khảo rất thú vị gắn liền với lịch sử phát triển của đất nước. Như vậy, công chứng viên là người quản giữ các tư liệu đó. Nhiệm vụ này cũng xuất phát từ chức năng dịch vụ công của công chứng.

Nhiệm vụ cuối cùng là một đặc thù của công chứng Pháp, đó là nhiệm vụ thu thuế. Khi nhận một văn bản, công chứng viên có trách nhiệm tính mức thuế áp dụng đối với hợp đồng, thu tiền từ khách hàng và nộp khoản thu đó cho cơ quan thuế. Để làm nhiệm vụ này, công chứng viên phải hiểu biết rất rõ các quy định pháp luật về thuế, buộc phòng công chứng phải có những trách nhiệm quan trọng về kế toán và như vậy, nếu công chứng viên tính toán nhầm lẫn thì phải chịu trách nhiệm thay cho khách hàng trước cơ quan thuế. 

Như vậy, chức năng chứng thực của công chứng Pháp có sự khác biệt căn bản với chức năng công chứng Nhà nước (ví dụ ở Mỹ) phụ thuộc trước hết vào danh tiếng của công chứng và chỉ dừng lại ở việc xác nhận các sự việc, xác nhận chữ ký mà không đòi hỏi công chứng viên phải có những kiến thức pháp lý tối thiểu, trong khi đó ở những nước theo hệ thống luật Châu Âu lục địa, điều này rất cần thiết. Ở các nước có hệ thống công chứng La tinh, khi thực hiện các nhiệm vụ nói trên, công chứng viên vừa có tư cách là uỷ viên công quyền, nghĩa là được uỷ thác một phần quyền lực Nhà nước, được Nhà nước trao cho con dấu riêng, vừa có tư cách là người hành nghề tự do. Quy chế này không phải lúc nào cũng được hiểu một cách rõ ràng, kể cả ở Pháp. Nhưng tôi nhấn mạnh đến điều này vì với tư cách là uỷ viên công quyền, công chứng viên có nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công, thể hiện ở việc công chứng viên do Bộ trưởng bổ nhiệm, Bộ trưởng ấn định số lượng các phòng công chứng, nơi đặt trụ sở phòng công chứng, quyết định việc thành lập phòng công chứng, việc chuyển nhượng, giải thể, sát nhập phòng công chứng và ở Pháp, các vấn đề này được quyết định trong một chương trình của Uỷ ban phân bổ công chứng viên trực thuộc Bộ Tư pháp, đứng đầu uỷ ban này là một thẩm phán, và có thành phần là các thẩm phán, giáo viên luật, công chứng viên, đại diện của Bộ Tài chính. Chương trình này được sửa đổi theo định kỳ và xác định các tiêu chí, kế hoạch phân bổ công chứng viên. Vì là người được Nhà nước uỷ quyền thực hiện dịch vụ công nên công chứng viên chịu sự kiểm tra, giám sát của Nhà nước, chủ yếu là thông qua Bộ trưởng Bộ Tư pháp, hoặc những người được Bộ trưởng uỷ quyền ở cấp địa phương. Việc kiểm tra, giám sát của Nhà nước được thực hiện không chỉ ở giai đoạn bổ nhiệm công chứng viên, để kiểm tra năng lực và đạo đức của công chứng viên mà còn trong suốt hoạt động nghề nghiệp của công chứng viên. Về nguyên tắc, tất cả các phòng công chứng đều bị thanh tra ít nhất một lần một năm. 

Công chứng viên còn có nghĩa vụ tuân thủ các quy định chặt chẽ về đạo đức nghề nghiệp. Viện công tố và đại diện của Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ các quy định đạo đức nghề nghiệp của công chứng viên. Công chứng viên không được nhận làm các văn bản mà mình có thể có lợi ích cá nhân, không được can thiệp vào các vụ việc liên quan đến các giao dịch thương mại, chứng khoán, ngân hàng, và tuyệt đối không được quảng cáo dịch vụ của mình với khách hàng, không được tự ý giảm tiền thù lao. Các nguyên tắc này hoàn toàn trái với hoạt động công chứng ở các nước theo hệ thống Anh-Mỹ.  Công chứng viên có nghĩa vụ lập các văn bản, nghĩa là nhận các văn bản nếu được yêu cầu, điều này không phụ thuộc vào tầm quan trọng của văn bản, vào giá trị của văn bản. Công chứng viên có nghĩa vụ tuân thủ biểu giá quy định, không thể tự ý tăng, giảm lệ phí. Thực vậy, chế độ tự do lệ phí không phù hợp với chế độ dịch vụ công vì nếu theo chế độ tự do lệ phí thì công chứng viên có quyền từ chối nhận văn bản khi thấy tiền thù lao nhận được từ văn bản đó không thoả đáng. Ở một số nước mà công chứng viên có thể thương lượng hợp đồng với khách hàng, thì có thể có hiện tượng dùng tiền để móc ngoặc với nhau, điều này cũng hoàn toàn trái với chế độ dịch vụ công. Xin lưu ý rằng ở Pháp, công chứng viên có thể tự do thoả thuận tiền thù lao tư vấn với khách hàng khi thực hiện các hoạt động chịu sự điều chỉnh của cơ chế cạnh tranh với các nghề pháp luật khác. Công chứng viên còn có nghĩa vụ áp dụng các biện pháp đảm bảo trong phạm vi trách nhiệm nghề nghiệp của mình, nghĩa vụ nộp các khoản tiền đã thu tại phòng công chứng, dù là tiền thu cho mình hoặc thu cho khách hàng, tại Ngân hàng Nhà nước số 1 của Pháp, Quỹ ký gửi.

Như vậy, chúng ta thấy rằng những nhiệm vụ mà công chứng viên thực hiện với tư cách uỷ viên công quyền là những nhiệm vụ rất quan trọng. Còn quy chế hành nghề tự do của công chứng viên được áp dụng đối với việc công chứng viên quản lý phòng công chứng và trong quan hệ giữa công chứng viên với khách hàng. Với quy chế là người hành nghề tự do, công chứng viên thực sự là một chủ doanh nghiệp, thu nhập của công chứng viên là tiền thù lao do công chứng viên thu từ khách hàng, công chứng viên tổ chức văn phòng theo cách riêng của mình, tuyển dụng nhân viên, thuê trụ sở, sắp đặt tài liệu, trang thiết bị văn phòng theo cách riêng. Công chứng viên phải hành nghề một cách độc lập, hoặc với tư cách cá nhân hoặc trong khuôn khổ một công ty dân sự nghề nghiệp. Các loại hình công ty dân sự nghề nghiệp của công chứng viên được pháp luật quy định rất chặt chẽ. Một điểm độc đáo nữa trong pháp luật công chứng của Pháp là quy chế hành nghề tự do trao cho công chứng viên có quyền tài sản đối với doanh nghiệp của mình. Giống như luật sư, bác sỹ, công chứng viên có quyền chuyển nhượng văn phòng của mình và được thanh toán khoản tiền chuyển nhượng. Thực vậy, pháp luật Pháp quy định công chứng viên có quyền sở hữu đối với các tài sản trong doanh nghiệp của mình và đặc biệt, có quyền đề xuất Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm người kế nhiệm của mình. 

Bên cạnh đó, công chứng viên còn có thể là người làm công ăn lương. Từ khi ban hành đạo luật năm 1990, công chứng viên có quyền hành nghề với tư cách là người làm công ăn lương. Công chứng viên là người làm công ăn lương bị ràng buộc bởi một hợp đồng lao động ký với phòng công chứng nhưng vẫn có một con dấu riêng do Nhà nước ban cho. Công chứng viên này nhận làm các văn bản và phải chịu trách nhiệm cá nhân.

Pháp luật Pháp có những quy định dung hoà hệ quả của hợp đồng lao động của công chứng viên với sự độc lập của công chứng viên trong hoạt động nghề nghiệp.  Về phía khách hàng, quy chế tự do của công chứng viên chính là nền tảng cho niềm tin của khách hàng và tạo điều kiện cho khách hàng có thể tự do lựa chọn công chứng viên, tạo môi trường cạnh tranh giữa các công chứng viên, chủ yếu là dựa trên các tiêu chí về năng lực, khả năng sẵn sàng cung cấp dịch vụ, chất lượng dịch vụ công chứng, chứ không được dựa trên một sự đánh giá có tính chất so sánh về giá của dịch vụ vì chế độ lệ phí do công chứng thu bắt buộc phải áp dụng đồng nhất cho tất cả các công chứng viên và tất cả những người yêu cầu.  Như vậy, quy chế tự do của công chứng viên góp phần tăng cường việc thực hiện chức năng công của công chứng viên, đặc biệt là do cơ chế tự do tổ chức, quản lý phòng công chứng và vì công chứng viên làm cho lợi ích tư trở thành một phương tiện hiện đại để quản lý dịch vụ công và cần phải khẳng định rằng điều đó không đòi hỏi chi phí gì từ phía Nhà nước. 

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để trở thành công chứng viên ? Các điều kiện để hành nghề công chứng viên là phải có quốc tịch Pháp, đáp ứng các tiêu chuẩn về đạo đức, các tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn cần thiết được xác nhận qua một khoá đào tạo nghề nghiệp. Về trình độ, ứng cử viên phải có bằng tốt nghiệp đại học, nghĩa là ít nhất phải có 4 năm đại học luật. Sau đó, phải qua một khoá đào tạo chuyên môn cả về lý thuyết lẫn thực hành, được tổ chức tại các trung tâm đào tạo nghề nghiệp hoặc ngay tại những trường đại học đã ký hợp đồng đào tạo với công chứng. Hiện nay, ở Pháp, có 11 trung tâm đào tạo nghề nghiệp được tổ chức trên toàn bộ lãnh thổ và chịu sự quản lý của Trung tâm đào tạo nghề nghiệp quốc gia. Những người lãnh đạo trung tâm này là các thẩm phán, công tố viên cao cấp, các giáo sư luật, các công chứng viên và chịu trách nhiệm xây dựng chương trình đào tạo. Quá trình đào tạo được tổ chức trên cơ sở sự phối hợp giữa bên đại học và bên nghề nghiệp, với sự tham gia của các giáo viên cả về lý thuyết lẫn thực hành. Sau khoá đào tạo, học viên phải qua một kỳ thi và nếu đỗ thì được cấp bằng về công chứng, kỳ thi này rất khó, ví dụ tại Trường đại học Ly-ông, tỷ lệ học viên thi đỗ là 25/600 người. Những người được cấp bằng này trở thành công chứng viên, nhưng khi chưa lập phòng công chứng thì có thể hoạt động với tư cách là trợ lý công chứng viên. Với tư cách này, công chứng viên hoạt động như người làm công ăn lương trong một phòng công chứng trước khi quyết định hoạt động như một công chứng viên. Tôi phải nói rằng việc học hành rất khó khăn, phải mất đến 7, 8 năm để kết thúc những giai đoạn đầu vì phải học rất nhiều ngành luật, luật tư pháp, luật doanh nghiệp, luật Nhà nước, luật nông nghiệp, luật hành chính… Ở Pháp, có hai cơ chế : cơ chế thi tuyển trong ngành, dành cho những cộng tác viên có kinh nghiệm lâu năm và thi đỗ tại kỳ kiểm tra kiến thức, và cơ chế thi tuyển ngoài ngành dành cho các giáo viên các trường đại học, các thẩm phán, công tố viên, các luật sự, thừa phát lại, là những người được miễn khoá học chuyên ngành công chứng nhưng với điều kiện phải thực hiện một đợt thực tập nghề nghiệp và nếu cần, phải thi đỗ trong kỳ kiểm tra kiến thức.

Ứng cử viên, sau khi đã có bằng về công chứng và đã đáp ứng các điều kiện cần thiết, sẽ được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm là công chứng viên hành nghề với tư cách cá nhân hoặc trong khuôn khổ một công ty dân sự nghề nghiệp. Một người có thể được bổ nhiệm sau khi có một công chứng viên thực hiện quyền đề xuất bổ nhiệm công chứng viên, bằng việc nộp hồ sơ cho Bộ Tư pháp, hồ sơ này phải đã có ý kiến của tổ chức nghề nghiệp. Nhưng một người cũng có thể trở thành công chứng viên khi thi đỗ một kỳ thi đặc biệt. Kỳ thi này được tổ chc khi thành lập phòng công chứng và vì những lý do lịch sử, ở tỉnh An-dát Lo-ren, do có sự ảnh hưởng của pháp luật Đức nên chúng tôi đã giữ lại cơ chế thi tuyển này.  Liên quan đến bổ nhiệm công chứng viên là người làm công ăn lương, công chứng viên là người tuyển dụng lao động và công chứng viên là người làm công ăn lương phải nộp một yêu cầu chung.  Trong mọi trường hợp, khi bắt đầu hoạt động, công chứng viên phải tuyên thệ tại Toà án và phải tuyên thệ lại tại Hội nghị toàn thể công chứng viên, và được Nhà nước ban con dấu. Cơ cấu tổ chức nghề nghiệp của công chứng viên dựa trên cơ cấu tổ chức tư pháp. Có Hội đồng công chứng tỉnh đại diện cho công chứng của tỉnh, Hội đồng công chứng vùng dại diện cho công chứng ở cấp Toà phúc thẩm, và cuối cùng là Hội đồng công chứng tối cao đại diện cho công chứng trên phạm vi toàn quốc. Tất cả thành viên của các hội đồng này do các công chứng viên bầu ra và giữ chức năng đại diện của công chứng viên, đảm bảo tôn trọng kỷ luật nghề nghiệp, tổ chức công tác đào tạo, công tác thanh tra trên cơ sở phối hợp với Viện công tố. 

 ( Nguồn, trích từ kỷ yếu hội thảo quốc tế“VAI TRÒ CỦA CÁC NGHỀ TƯ PHÁP BỔ TRỢ TRONG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN”, do Nhà pháp luật Việt – Pháp tổ chức).