Tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực công chứng
Công chứng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được quy định trong Luật Đầu tư; Luật Công chứng cũng quy định chặt chẽ các điều kiện hành nghề công chứng viên, điều kiện thành lập và hoạt động của văn phòng công chứng.
Tuy nhiên, việc bỏ quy hoạch đã dẫn tới tình trạng số lượng các văn phòng công chứng tăng lên rất nhanh. Từ đó kéo theo một loạt các vấn đề phát sinh như sự cạnh tranh khốc liệt giữa các tổ chức công chứng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro về mặt pháp lý đối với tổ chức công chứng và người yêu cầu công chứng…
Mặt khác, các tổ chức hành nghề công chứng có xu hướng phát triển tự do, phát triển tập trung tại các quận, thị xã, thành phố trong khi các huyện khác lại không có tổ chức hành nghề công chứng. Nhiều địa phương phản ánh, các tổ chức hành nghề công chứng đang hoạt động tại các huyện đều đồng loạt có hồ sơ để nghị chuyển trụ sở về trung tâm làm mất cân đối nghiêm trọng trong việc phát triển mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng, ảnh hưởng tới việc tiếp cận dịch vụ công chứng của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là người dân tại các vùng sâu, vùng xa.
Ngoài ra, còn phát sinh thêm nhiều việc liên quan đến chấm dứt, thay đổi hoạt động của các văn phòng công chứng mà Nhà nước phải giải quyết, gây lãng phí không cần thiết về nhân lực và chi phí cho Nhà nước và xã hội.
Một trong những nguyên nhân chính là do thiếu sự điều tiết bằng biện pháp phù hợp (khi bỏ quy hoạch thì Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch không quy định biện pháp thay thế). Mặt khác, cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch dẫn đến cách hiểu khác nhau trong tổ chức thực hiện. Các địa phương còn nhiều cách hiểu khác nhau về hiệu lực thi hành của Quyết định số 2104/QĐ-TTg ngày 29/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020.
Về vấn đề này, Bộ Tư pháp cho rằng việc sắp xếp Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng vào quy hoạch sản phẩm là chưa đủ cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn gây băn khoăn trong các tổ chức hành nghề công chứng và một số địa phương.
Luật Công chứng năm 2014 quy định biện pháp quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động công chứng là “quy hoạch” và “tiêu chuẩn, điều kiện”. Nay, một nửa biện pháp quản lý nhà nước (quy hoạch) bị bãi bỏ mà không quy định biện pháp quản lý khác thay thế khiến Nhà nước mất đi công cụ quan trọng để quản lý, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển nghề công chứng và hệ thống tổ chức hành nghề công chứng của quốc gia.
Bên cạnh đó, thời điểm có hiệu lực của Luật Quy hoạch với thời điểm ban hành Luật quá ngắn, chưa đủ để các cơ quan, tổ chức, cá nhân chuẩn bị về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và các điều kiện khác để triển khai thi hành Luật dẫn đến sự lúng túng trong quá trình tổ chức triển khai thi hành Luật.
Để tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai Luật Quy hoạch liên quan đến lĩnh vực công chứng, đặc biệt trong bối cảnh khuyến khích xã hội hóa lĩnh vực công chứng thì việc bỏ ngay quy hoạch công chứng sẽ gây nhiều khó khăn trong quản lý nhà nước.
Do đó, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp cần nghiên cứu, tham mưu, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đưa bổ sung “Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng” vào Danh mục các ngành quốc gia lập quy hoạch. Đồng thời nghiên cứu các biện pháp mang tính chất bổ trợ để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực công chứng như: nâng cao điều kiện tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên, kiểm soát ngay từ khâu cấp chứng chỉ hành nghề công chứng…