image

Chính phủ điện tử sẽ giúp người dân tiếp cận dịch vụ công dễ dàng

06-05-2019 Tin tổng hợp
Việc đẩy mạnh quản trị điện tử, xây dựng Chính phủ điện tử sẽ góp phần giúp người dân tiếp cận dịch vụ công dễ dàng hơn; giảm tham nhũng; tăng công khai, minh bạch đồng thời giảm chi phí hành chính, kể cả chi phí không chính thức.
 
Chính phủ điện tử sẽ giúp người dân tiếp cận dịch vụ công dễ dàng
Hình minh họa

Cổng thông tin điện tử còn ít được sử dụng

Theo Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2018 (PAPI 2018) được công bố gần đây, số người sử dụng Internet tại Việt Nam tăng nhanh. Năm 2018, 53% số người tham gia khảo sát cho biết có Internet tại nhà, tăng 15% so với năm 2017.

Trong đó, 38% người trả lời tiếp cận tin tức qua Internet, tăng 10% so với năm trước. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã có thêm nhiều dịch vụ hành chính trên nền tảng điện tử; đầu tư công cho hạ tầng chính phủ điện tử lớn.

Tuy nhiên, theo khảo sát, số người sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền để khi làm thủ tục hành chính dù đã tăng nhẹ qua các năm nhưng mức độ phổ biến của dịch vụ chính quyền điện tử dường như còn hạn chế. Theo báo cáo của UNDP, điểm chỉ số Quản trị điện tử của Việt Nam chưa cao.

Mức điểm các tỉnh/thành phố trên cả nước đạt được năm 2018 mới dao động trong khoảng từ 1,93 đến 4,24 điểm trên thang điểm từ 1 đến 10. TS. Đặng Hoàng Giang - Phó Giám đốc CECODES, Thành viên nhóm nghiên cứu PAPI – cho rằng, không thể phủ nhận trong thời qua Việt Nam đã có những chuyển mình nhằm thúc đẩy công khai, minh bạch trong đáp ứng thông tin cho người dân.

“Việt Nam đã và đang thúc đẩy công khai, minh bạch và khả năng đáp ứng nhu cầu của người dân trong cung ứng dịch vụ công thông qua việc đầu tư xây dựng và triển khai cổng thông tin điện tử, qua đó cung cấp thông tin về quy trình, thủ tục cung ứng dịch vụ công cho người dân”.

Tuy nhiên, bà Đỗ Thanh Huyền - Chuyên gia phân tích chính sách công Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) – nhận định, việc công bố thông tin liên quan thu chi ngân sách hiện vẫn chưa được các địa phương chú trọng, người dân vẫn không nắm bắt được những thông tin thiết yếu này. 

Theo nhóm nghiên cứu, để người dân sử dụng cổng thông tin điện tử nhiều hơn, các cấp chính quyền cần đổi mới giao diện để cổng thông tin điện tử và dịch vụ công trực tuyến thân thiện với người dùng, từ đó người dân sử dụng thường xuyên hơn…

Quản trị điện tử đem lại nhiều lợi ích 

Các chuyên gia cho rằng, việc đẩy mạnh quản trị điện tử, xây dựng Chính phủ điện tử sẽ góp phần giúp người dân tiếp cận dịch vụ công dễ dàng hơn; giảm tham nhũng; tăng công khai, minh bạch; tăng cường trách nhiệm giải trình của chính quyền đồng thời giảm chi phí hành chính, kể cả chi phí không chính thức. Trong bối cảnh đó, các cấp, các ngành của Việt Nam cần tiếp tục quan tâm giải quyết những thách thức dài hơi như cung cấp dịch vụ công, đơn giản hóa thủ tục hành chính và nỗ lực hướng tới sự minh bạch hơn…

Bà Samia Melhem - Trưởng nhóm kỹ thuật số, Ngân hàng Thế giới (WB) – chỉ ra rằng, việc cải thiện thủ tục hành chính sẽ đảm bảo người dân được phục vụ một cách hiệu quả từ khi sinh ra cho đến khi qua đời.

“Ở các cơ quan hành chính, chúng ta có thể sử dụng các công cụ để đăng ký kinh doanh qua mạng internet, truy cập thông tin từ các khu vực cung cấp dịch vụ công của Chính phủ như trường học, bệnh viện, trạm xá…. Bất kỳ lĩnh vực gì Chính phủ có thể tham gia, chúng ta hoàn toàn có thể chuyển đổi số”, bà Melhem nói.

Trong bối cảnh nền hành chính còn dựa quá nhiều vào giấy tờ như hiện nay, vị chuyên gia đến từ WB cho rằng, thách thức có thể nảy sinh trong thời gian đầu khi thực hiện chuyển đổi số. Vì vậy, Chính phủ cần đảm bảo rằng dữ liệu cá nhân của mọi người sẽ không được bán cho bất kỳ bên nào và được chia sẻ, dữ liệu cá nhân cũng phải được quản lý một cách hiệu quả dựa trên sự giám sát của Chính phủ… để đảm bảo được quyền lợi cho người dân. 

Đồng quan điểm rằng thách thức trong việc xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam hiện nay không phải nằm ở công nghệ mà nằm ở con người, bà Đỗ Thanh Huyền nhấn mạnh, điều quan trọng trong xây dựng Chính phủ số, Chính phủ điện tử chính là xây dựng lòng tin.

“Chính phủ phải đảm bảo để người dân có thể tin tưởng khi họ tiếp cận thông tin của Chính phủ, của khu vực công và cảm thấy yên tâm khi họ chia sẻ thông tin của họ”, bà khuyến nghị. Với những nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số của Việt Nam hiện nay, bà Huyền cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể hy vọng trong những năm sắp tới, Việt Nam có thể đẩy nhanh hơn quá trình số hóa, xây dựng Chính phủ điện tử cũng như thực hiện những dịch vụ hành chính công trên mạng… 

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV hồi tháng 10/2018, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số là một xu hướng tất yếu của các quốc gia nền kinh tế.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn quan tâm và coi trọng ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử trong các cơ quan hành chính nhà nước cũng như các dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp. Việt Nam đã đạt được một số kết quả như việc ban hành được một số các văn bản và các giải pháp để phát triển; đã xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội và đã cung cấp được một số dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 như vấn đề đăng ký doanh nghiệp, kê khai thuế, nộp thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội…
Song, một số nội dung như phát triển thẻ điện tử còn chưa đạt như kỳ vọng. Đề cập đến những giải pháp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh về sự cần thiết phải xây dựng được khung tổng thể kiến trúc về Chính phủ điện tử, đồng thời xây dựng nền tảng về cơ sở dữ liệu quốc gia, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hạ tầng công nghệ thông tin phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. 
Minh Ngọc