Kỳ vọng dành cho Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam là rất lớn
Trước thềm Đại hội, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi, tìm hiểu một số thông tin liên quan đến Đại hội với Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Đỗ Hoàng Yến – Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Đại hội.
Đáp ứng ngày một tốt hơn các yêu cầu của người dân và doanh nghiệp
* Thưa Cục trưởng, bà có thể giải thích vì sao đến năm 2006, chúng ta mới ban hành Luật Công chứng trong khi chế định công chứng đã chính thức xuất hiện từ những năm 1987?
- Công chứng xuất hiện ở nước ta từ thời kỳ Pháp thuộc, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử gắn liền với công cuộc giải phóng dân tộc, hoạt động công chứng nước ta gặp rất nhiều khó khăn, thăng trầm. Phải đến năm 1987, tức là sau khi Đại hội lần thứ VI của Đảng thông qua chủ trương đổi mới toàn diện đất nước, hoạt động công chứng ở nước ta mới chính thức được củng cố và phát triển, các phòng công chứng Nhà nước được thành lập, bắt đầu từ thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và mở rộng ra cả nước. Tuy nhiên, trong thời kỳ đầu đổi mới, đất nước ta bị bao vây, cấm vận, điều kiện kinh tế - xã hội gặp rất nhiều khó khăn, hoạt động công chứng bị ảnh hưởng rất nhiều. Thời kỳ sau đó, hoạt động công chứng dần đi vào ổn định, khẳng định được vị trí, vai trò trong xã hội. Tuy vậy, thời kỳ này, công chứng vẫn là một hoạt động của Nhà nước, do các công chứng viên là các công chức được bổ nhiệm thực hiện.
Trước bối cảnh, tình hình mới, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó có đề ra chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng. Đây chính là tiền đề, cơ sở rất quan trọng để Quốc hội ban hành Luật Công chứng năm 2006, chính thức thể chế hóa chủ trương của Đảng về xã hội hóa hoạt động công chứng. Luật Công chứng năm 2006 với tinh thần chủ đạo, xuyên suốt là thực hiện xã hội hóa hoạt động công chứng, phục vụ tốt hơn nhu cầu công chứng ngày càng tăng của người dân, doanh nghiệp và sứ mệnh của nó bắt nguồn từ chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng đã được Đảng ta đề ra phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn lúc bấy giờ.
Luật Công chứng năm 2006 ra đời đã góp phần thay đổi diện mạo của công chứng nước ta, biến hoạt động công chứng từ hoạt động pháp lý của Nhà nước sang hoạt động pháp lý của xã hội, thể hiện rõ hơn tính chất của một loại hình dịch vụ công, đáp ứng ngày một tốt hơn các yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Có quyền tự hào về đội ngũ công chứng viên hiện nay
* Ở cương vị Thủ trưởng đơn vị tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về hoạt động công chứng, bà đánh giá như thế nào về đội ngũ công chứng viên Việt Nam hiện nay sau nhiều năm thực hiện chủ trương xã hội hóa?
- Về số lượng công chứng viên: Đến thời điểm hiện nay, tổng số công chứng viên đang hành nghề là trên 2.400 người, hành nghề tại hơn 1.000 tổ chức hành nghề công chứng trên toàn quốc. Số lượng công chứng viên hiện tại đã tăng hơn 6 lần so với thời điểm trước khi thực hiện xã hội hóa hoạt động công chứng theo quy định của Luật Công chứng năm 2006.
Về tiêu chuẩn, chất lượng công chứng viên: Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của công chứng viên ngày càng tăng. Điều này bắt nguồn từ quy định của Luật Công chứng về tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên ngày càng được nâng cao, từ Luật Công chứng năm 2006 cho đến Luật Công chứng năm 2014. Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm, kỹ năng hành nghề cũng như đạo đức nghề nghiệp của công chứng viên luôn được tăng cường thông qua việc tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm. Đây là nghĩa vụ bắt buộc đối với mỗi công chứng viên.
Đánh giá một cách tổng thể và khách quan, chúng ta có quyền tự hào là đã xây dựng được đội ngũ công chứng viên đông đảo về số lượng, trưởng thành, vững vàng về nghiệp vụ, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, có ý thức tự tôn về nghề và ý thức xã hội, vì cộng đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đó, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận là vẫn còn một bộ phận công chứng viên do thiếu kinh nghiệm, kỹ năng, hạn chế về trình độ nghiệp vụ hoặc do nhận thức, đạo đức nghề nghiệp còn yếu kém, có xu thế chạy theo lợi nhuận đã để xảy ra những sai sót, vi phạm trong hoạt động hành nghề. Qua đó, ảnh hưởng đến chất lượng chung của hoạt động công chứng, hình ảnh, uy tín của nghề công chứng.
Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp, Cục Bổ trợ tư pháp và các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm để chấn chỉnh, lành mạnh hóa hoạt động công chứng và trong sạch hóa đội ngũ công chứng viên. Cùng với đó, Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, tổ chức xã hội - nghề nghiệp tự quản lớn nhất của công chứng viên cả nước, ra đời chắc chắn sẽ góp phần nâng cao chất lượng, đạo đức nghề nghiệp của công chứng viên, nâng tầm vị thế của công chứng trong xã hội.
Nghĩa vụ phải thực hiện khi gia nhập Liên minh Công chứng quốc tế
* Như Cục trưởng vừa đề cập đến Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam thì với tư cách Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Đại hội Đại biểu công chứng viên toàn quốc lần thứ nhất, bà nhận thấy đâu là những khó khăn, thuận lợi trong quá trình thành lập Hiệp hội này?
- Trước hết, Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam ra đời vào thời điểm rất thích hợp với nhiều thuận lợi:
Thứ nhất, cơ sở pháp lý cho việc thành lập Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam đã đầy đủ, từ Luật Công chứng năm 2014 cho đến Nghị định số 29/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng đã có những quy định rất cụ thể về Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam và các Hội Công chứng viên ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Thứ hai, đội ngũ công chứng viên hiện nay như chúng tôi đánh giá là đông đảo về số lượng, trưởng thành, vững vàng về nghiệp vụ, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, có ý thức tự tôn về nghề và ý thức xã hội, vì cộng đồng, có khả năng tập hợp, đoàn kết thông qua các Hội Công chứng viên địa phương. Đội ngũ công chứng viên đông đảo, lớn mạnh và đoàn kết chính là yếu tố then chốt để thành lập Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam;
Thứ ba, hoạt động hợp tác quốc tế của công chứng Việt Nam ngày càng được mở rộng trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là chúng ta đã gia nhập Liên minh Công chứng quốc tế từ năm 2013. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, công chứng viên Việt Nam vẫn thiếu một tổ chức xã hội - nghề nghiệp có thể đại diện cho mình ở tầm quốc gia tại các diễn đàn, tổ chức công chứng khu vực và thế giới, đây cũng chính là cam kết mà chúng ta phải thực hiện khi gia nhập Liên minh Công chứng quốc tế;
Cuối cùng, Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam ra đời trong bối cảnh nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, trực tiếp là Bộ Tư pháp cũng như Ủy ban nhân dân, Sở Tư pháp các địa phương, với sứ mệnh khẳng định vị thế, vai trò và đóng góp của giới công chứng viên Việt Nam đối với xã hội, cùng với các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc quản lý, phát triển đội ngũ công chứng viên và phát triển nghề công chứng theo hướng bền vững, đúng pháp luật.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi đó thì Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam ra đời cũng gặp phải nhiều khó khăn, thách thức, đó là:
Đầu tiên phải nói đến là trọng trách, vai trò lớn, nhận được nhiều kỳ vọng. Hiệp hội tuy còn non trẻ nhưng sẽ phải đảm đương rất nhiều công việc, từ đối nội (tập hợp, đoàn kết, bảo vệ, đại diện cho hội viên, tham gia công tác quản lý, xây dựng thể chế, phát triển nghề…) đến đối ngoại (đại diện cho công chứng Việt Nam tham gia các tổ chức, diễn đàn quốc tế). Tình cảm, kỳ vọng của các cấp Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như các công chứng viên dành cho Hiệp hội, đội ngũ lãnh đạo Hiệp hội cũng rất lớn. Những yếu tố này là thuận lợi nhưng cũng là thách thức, áp lực lớn dành cho Hiệp hội và đội ngũ lãnh đạo Hiệp hội trong công tác điều hành, lãnh đạo để Hiệp hội phát triển, lớn mạnh như mục tiêu, định hướng thành lập.
Tiếp đến, hoạt động công chứng ngày một phát triển đa dạng hơn, xuất hiện nhiều tình huống, xu thế mới, phức tạp trong hoạt động công chứng, đòi hỏi Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam phải thể hiện được vai trò lãnh đạo, quản lý của mình để cùng với các cơ quan quản lý nhà nước quản lý hoạt động công chứng phát triển theo đúng định hướng, đúng pháp luật.
Thứ nữa, một yêu cầu, đòi hỏi khác chính là Hiệp hội phải luôn duy trì được tôn chỉ, mục đích hoạt động của mình; đội ngũ lãnh đạo Hiệp hội phải luôn giữ được cái tâm trong sáng, hết lòng vì sự nghiệp chung của công chứng, nhiệt huyết, vô tư, khách quan, có như vậy mới thu hút, tập hợp được hội viên, phát triển được Hiệp hội nói riêng và nghề công chứng ở Việt Nam nói chung.
* Xin cảm ơn Cục trưởng!