Ngăn ngừa việc làm giả giấy tờ
Hiện nay, với máy scan màu sẽ cho ra bản copy bằng cấp, văn bản với con dấu và chữ ký giống y bản chính, đến mức nếu nhìn qua bằng mắt thường thì không thể phân biệt đâu là bản chính đâu là bản copy.
Nhiều người cần tìm việc làm đã bất chấp vi phạm pháp luật, tìm mua các loại giấy tờ, hồ sơ, bằng cấp giả mạo để không học cũng có bằng, qua mắt các nhà tuyển dụng. Nguy hiểm hơn, một số đối tượng còn sử dụng các loại giấy tờ này để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Một số tiệm dịch vụ in ấn cũng sẵn sàng tiếp tay, đáp ứng nhu cầu đó nhằm thu lợi bất chính. Việc photocopy màu và in scan màu để chụp con dấu và chữ ký thật từ một văn bản khác rồi đưa vào văn bản giả rất dễ dàng; đổi lại giá tiền sẽ cao hơn gấp nhiều lần so với photocopy thông thường.
Hoạt động in ấn và photocopy đã có những quy định cụ thể về những loại giấy tờ được và không được in ấn, xuất bản. Nhưng thực tế vẫn còn nhiều kẽ hở, chưa được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và thường xuyên. Dù đã được cảnh báo, nhưng một số chủ tiệm photocopy vẫn bất chấp, thực hiện in scan các loại giấy tờ và bán hồ sơ có sẵn dấu mộc, chữ ký.
Nghị định 105/2007 quy định các cơ quan, tổ chức sử dụng máy photocopy màu phải đăng ký với Sở Thông tin - Truyền thông sở tại. Tại điểm c khoản 6 Điều 24 Nghị định 159/2013 quy định những hành vi vi phạm hoạt động in ấn có thể bị phạt tiền 15 - 20 triệu đồng. Đối với các trường hợp in ấn ấn phẩm có nội dung bị cấm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo nhóm tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, tội làm giả con dấu, giấy tờ của cơ quan, tổ chức.
Các cơ quan quản lý cần quan tâm kiểm tra, xử lý các hoạt động sử dụng máy photocopy, máy scan con dấu màu tràn lan như hiện nay để thực thi pháp luật, ngăn ngừa việc lợi dụng dịch vụ photocopy, in scan màu để tiếp tay cho các hành vi làm giả giấy tờ.