image

Phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo: Đề cao tính chủ động của cơ quan Thi Hành án dân sự

16-07-2018 Tin tổng hợp
Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật là cơ sở quan trọng để tiến hành các hoạt động THADS. Do đó, nội dung, chất lượng của bản án, quyết định, việc giải thích, sửa chữa bản án, quyết định của Tòa án có ảnh hưởng không nhỏ đối với quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) trong THADS

Phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo: Đề cao tính chủ động của cơ quan THADS

Hình minh họa

Quyền KNTC là quyền chính trị cơ bản của công dân được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013. Quy định về quyền KNTC đã tạo cơ chế giám sát đối với hoạt động THADS, đảm bảo việc tổ chức THA khách quan, đúng pháp luật. Chất lượng và hiệu quả của việc THADS phụ thuộc rất lớn vào hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Nếu các cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành điều tra, truy tố và xét xử công minh, khách quan, đúng pháp luật, kịp thời ngăn chặn việc tẩu tán của đương sự thì việc THA sẽ thuận lợi, nhanh chóng và hạn chế được nhiều vụ việc KNTC của các bên đương sự cũng như người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. 

Ngược lại, việc đưa ra các phán quyết trong các bản án, quyết định của Tòa án nếu không rõ ràng, cụ thể, phù hợp với các tình tiết thực tế của vụ án có thể gây ra những hậu quả pháp lý khác nhau. Từ đó, dẫn đến việc giải quyết vụ án bị kéo dài, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan Tòa án, gây khó khăn cho công tác THADS và gây tâm lý bức xúc, tiềm ẩn nhiều yếu tố dẫn tới KNTC.

Thực tế hiện nay, có trường hợp cơ quan tố tụng chưa phối hợp thực hiện các biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm ngăn chặn đương sự tẩu tán tài sản để đảm bảo THA. Nhiều trường hợp bản án, quyết định của tòa án tuyên không rõ, không có tính khả thi, có sai sót về số liệu nhưng cơ quan THADS yêu cầu giải thích nhưng không được tòa án kịp thời trả lời. Nhiều vụ việc đã tổ chức kê biên, định giá, bán đấu giá nhưng phải tổ chức lại nhiều lần do không có người mua tài sản. 

Hơn nữa, vẫn còn diễn ra tình trạng nhiều bản án, quyết định của Tòa án đã được tổ chức thi hành xong lại bị Tòa án, VKSND cấp trên kháng nghị yêu cầu xét xử lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm làm kéo dài thời gian xét xử vụ án.

Nhiều trường hợp đang tổ chức THA thì bị Tòa án, VKS yêu cầu hoãn, tạm đình chỉ để xem xét lại quyết định, bản án của Tòa án cấp dưới và sau đó xét xử lại trái ngược nhau, dẫn đến tình trạng hoài nghi của các đương sự đối với việc xét xử và THA, khiến họ không an tâm khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ THA.

Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp có thể chỉ cần đính chính bản án là thi hành được nhưng cơ quan THADS và Tòa án đã xét xử sơ thẩm, phúc thẩm không thống nhất được quan điểm dẫn đến kéo dài vụ án.

Công tác phối hợp giữa Tòa án với các cơ quan hữu quan trong lĩnh vực này vẫn chưa đạt hiệu quả cao do chưa có một cơ chế chung của liên ngành TƯ hướng dẫn thống nhất trong phối hợp rà soát các bản án chưa được thi hành. Ngoài ra, có nơi các cấp chính quyền thiếu sự phối hợp với cơ quan THADS trong giải quyết KNTC, đùn đẩy trách nhiệm dẫn đến tình trạng chậm giải quyết KNTC.

Để giải quyết dứt điểm, thấu tình đạt lý một số vụ việc KNTC phức tạp, kéo dài luôn cần sự phối hợp giải quyết của nhiều ban, ngành, đoàn thể. Do vậy, việc tăng cường sự phối hợp liên ngành trong quá trình giải quyết khiếu nại là một trong những giải pháp quan trọng và cần thiết trong thời gian tới.

Trong mối quan hệ phối hợp ấy, các cơ quan THADS phải giữ vai trò chủ động, về lâu dài cần nghiên cứu xây dựng quy chế phối hợp với các ngành chức năng, cơ quan có liên quan trong lĩnh vực THADS để tạo thuận lợi cho các cơ quan THADS khi tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ để giải quyết KNTC.

Việc giải quyết KNTC có thể theo trình tự, thủ tục riêng, bảo đảm tất cả khiếu nại của đương sự với quyết định, hành vi của Thủ trưởng, chấp hành viên cơ quan THADS trong quá trình tổ chức THA đều được xem xét, giải quyết. Từ đó sẽ giúp dần chấm dứt tình trạng tố cáo trong việc tổ chức THA.

Các cơ quan Tòa án cần xác định việc kiểm tra, rà soát, phân loại thống kê các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được thi hành là nhiệm vụ thường xuyên theo định kỳ hàng tháng, hàng quý, tùy theo tình hình thực tế từng địa phương và cần có cơ chế, quy chế phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong ngành và với các cơ quan có liên quan. 

Đồng thời, Bộ Tư pháp cần tiếp tục phối hợp với TANDTC, VKSNDTC thống nhất việc rà soát các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật nhưng tuyên không rõ, gây khó khăn trong việc THA. Từ đó, kịp thời kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm để giải quyết dứt điểm vụ việc.

Theo Q.K.

BaoPhapLuat.VN