image

Cần phát huy cơ chế đăng ký tài sản để khơi thông nguồn vốn

22-05-2018 Tin pháp luật cập nhật
Xuất phát từ ý nghĩa của thiết chế đăng ký tài sản, những năm vừa qua, Việt Nam đã cố gắng xây dựng pháp luật về đăng ký tài sản giúp quản lý tốt hơn thông tin về hiện trạng và tình trạng pháp lý của tài sản. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều loại tài sản, quyền với tài sản lại chưa được pháp luật điều chỉnh, đòi hỏi phải được hoàn thiện để góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn, thị trường bất động sản

Cần phát huy cơ chế đăng ký tài sản để khơi thông nguồn vốn

Cây sanh cổ thụ Mâm xôi con gà được cho là trị giá nhiều tỷ đồng nhưng chưa có cơ chế đăng ký để phát huy thêm giá trị.

“Trống” thiết chế đăng ký với nhiều loại quyền, tài sản

Qua rà soát của Bộ Tư pháp, hiện nay, nội dung đăng ký tài sản đang được quy định trong các văn bản pháp luật khác nhau nhưng pháp luật hiện hành và thực tiễn đăng ký tài sản lại vẫn còn những hạn chế, bất cập. Đáng chú ý là thiếu cơ chế đăng ký đối với một số loại tài sản theo yêu cầu.

Chẳng hạn, tài sản gắn liền với đất là công trình phụ trợ nằm ngoài phạm vi công trình chính thì không được chứng nhận quyền sở hữu nhưng trên thực tế nhiều trường hợp là nhà bảo vệ, nhà để xe, nhà bếp, nhà kho, nhà xưởng... vẫn được các tổ chức tín dụng nhận thế chấp.

Có điều, cả tổ chức tín dụng và cơ quan đăng ký lại lúng túng không biết xác định các loại nhà trên có phải là công trình phụ trợ hay không trong quá trình thực hiện việc đăng ký vì Luật Đất đai không quy định rõ. Hay quyền sở hữu đối với những động sản có giá trị lớn như cây cảnh trị giá nhiều tỷ đồng (ví dụ điển hình được dư luận đề cập chính là cây sanh cổ thụ Mâm xôi con gà) vẫn chưa có quy định hướng dẫn cơ chế đăng ký theo yêu cầu của người dân để được công nhận và bảo hộ quyền sở hữu đã được xác lập từ các căn cứ tạo lập tài sản hợp pháp, trong đó có nhận chuyển quyền hợp pháp.

Về các quyền khác đối với bất động sản mới được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự năm 2015 (bao gồm quyền đối với bất động sản liền kề, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt), Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cơ chế đăng ký với những quyền này và trong trường hợp pháp luật không có quy định khác sẽ phát sinh hiệu lực với mọi cá nhân, pháp nhân. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có quyền đối với bất động sản liền kề là có cơ chế đăng ký với tên gọi “quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề”, còn quyền bề mặt, quyền hưởng dụng đối với bất động sản chưa có quy định của pháp luật về hồ sơ, thủ tục đăng ký. 

Còn các quyền liên quan đến tài sản (quyền cho thuê, cho mượn, quyền mua – bán tài sản có chuộc lại, quyền hưởng dụng đối với động sản) được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015 thì đến nay cũng chưa có cơ chế đăng ký trong trường hợp người dân có yêu cầu. Như vậy, có thể thấy việc thiếu vắng các quy định pháp luật cho phép được đăng ký các loại quyền, tài sản sẽ không giúp những tài sản ấy được tham gia vào thị trường để có thể tạo thêm nguồn vốn góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Thêm kênh huy động nguồn vốn 

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế thì quy mô các quan hệ về tài sản, các quan hệ liên quan đến quyền tài sản, quyền sở hữu sẽ tăng lên rất nhanh, đưa đến một sự thay đổi đáng kể trong sự cần thiết phải công khai, minh bạch tình trạng pháp lý về tài sản, bảo đảm an toàn cho chủ sở hữu tài sản cũng như người có quyền đối với tài sản, đồng thời bảo đảm an toàn cho các giao dịch liên quan đến tài sản. Đây chính là tiền đề cho sự ra đời của hệ thống đăng ký tài sản nói chung và bất động sản nói riêng của Việt Nam trong thời gian qua.

Việt Nam đang có một nền kinh tế tăng trưởng mạnh và khá ổn định trong những năm qua, môi trường pháp lý được cải thiện, đặc biệt là sự gia nhập WTO và kết quả đàm phán, tham gia ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế thế mới. Đây là những yếu tố tạo nên sức hút mạnh mẽ đầu tư trong và ngoài nước vào Việt Nam. Vì vậy, việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về đăng ký tài sản có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần tạo lập hành lang pháp lý an toàn cho các giao dịch trên thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, nhà đầu tư nước ngoài với tư cách là chủ sử dụng, chủ sở hữu trong và ngoài nước, hạn chế được các giao dịch ngầm trên thị trường, giúp quản lý hiệu quả tài sản có giá trị, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

Nhiều ý kiến tán thành sự cần thiết triển khai nghiên cứu hoàn thiện pháp luật đăng ký tài sản. Phó Trưởng phòng dân sự - kinh tế (Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ) Nguyễn Văn Mạnh nhấn mạnh, cần nghiên cứu để xây dựng các quy định về đăng ký chuyển quyền nhằm phát huy tối đa giá trị của tài sản, tạo thêm một kênh huy động nguồn vốn cho các chủ thể tham gia quan hệ dân sự.

Ngoài ra, theo ông Mạnh, pháp luật đăng ký tài sản cần quy định rõ trình tự, thủ tục đăng ký quyền hưởng dụng và ý nghĩa pháp lý của quyền hưởng dụng, tạo thuận lợi cho áp dụng các quy định về quyền hưởng dụng trong Bộ luật Dân sự. Việc đăng ký quyền hưởng dụng cũng không nên phân tán ở các cơ quan khác nhau mà nên tập trung ở một cơ quan và cho rằng Bộ Tư pháp nên nhận nhiệm vụ này. “Trong điều kiện hiện nay, có thể tăng cường chức năng, nhiệm vụ cho Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm để thực hiện việc này” - ông Mạnh đề xuất. 

Theo T. Quyên

http://baophapluat.vn