image

03 trường hợp mất trắng nhà ở vì mua bằng vi bằng

15-05-2018 Tin tổng hợp
Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác (Khoản 2 Điều 2 Nghị định 61/2009/NĐ-CP)

Trong các trường hợp mua bán nhà ở giấy tờ tay bằng việc lập vi bằng thì Thừa phát lại ghi nhận hành vi, sự kiện giao nhận tiền, giao nhận giấy tờ, nhà giữa các bên; các bên tự tìm hiểu về nguồn gốc nhà đất, tính pháp lý của nó chứ Thừa phát lại không ghi nhận việc này.

Như vậy, vi bằng không có giá trị thay thế hợp đồng công chứng, chứng thực và không phải là cơ sở để thực hiện sang tên đổi chủ cho bên mua. Thực chất, vi bằng được lập trong trường hợp này là trái luật để Thừa phát lại “hợp thức” việc thu phí và 100% rủi ro pháp lý thuộc về người mua.

Hiện nay, nhiều Văn phòng công chứng có Thừa phát lại cộng tác để lập vi bằng mua bán nhà ở giấy tờ tay; nên nhiều người dân hiểu nhầm rằng Văn phòng công chứng lập vi bằng, vì thế rất an tâm khi mua nhà ở giấy tờ tay bằng vi bằng. Tuy nhiên, mua nhà ở giấy tờ tay bằng cách lập vi bằng như thế này thì người mua gặp rất nhiều rủi ro pháp lý, thậm chí có thể bị mất trắng căn nhà vừa mua.

Sau đây là những trường hợp thường gặp mà người mua bị mất trắng khi mua nhà ở bằng cách lập vi bằng:

1. Nhà ở là tài sản thế chấp tại Ngân hàng

Trường hợp này, nhà ở thuộc diện “ba chung” (chung giấy phép xây dựng, chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chung số nhà; sau đây gọi gọn là "sổ hồng chung") nên sau khi bán nhà cho nhiều người mua thì người đứng tên trên "sổ hồng chung" mang đi thế chấp tại Ngân hàng, trong trường hợp không có khả năng thanh toán thì Ngân hàng sẽ xiết nợ các căn nhà trên. Như vậy, những người mua nhà bị mất trắng tài sản của mình vào tay Ngân hàng.

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

2. Một nhà bán cho nhiều người

Hiện tại, các Thừa phát lại rất “dễ tính”, chỉ cần bản photo giấy tờ nhà thì họ sẵn sàng lập vi bằng để thu phí. Bởi vậy, người ta photo giấy tờ nhà ra thành nhiều bản rồi bán cho nhiều người khác nhau và ôm tiền cao chạy xa bay. Cuối cùng nhiều người mua lại đi tranh chấp 01 căn nhà.

(Ảnh minh họa: Thừa Phát Lại Thủ Đức lập vi bằng Khách hàng đang giao nhận tiền, giấy tờ để thực hiện giao dịch)

3. Người thuê nhà, lấy nhà đi bán

Nhiều người vì lợi nhuận trước mắt mà bỏ qua thiệt hại trong tương lai, nên mua nhà giấy tờ tay với giá thấp nhưng cho thuê cũng bằng giá với nhà có sổ hồng (tỉ suất lợi nhuận cao). Đó cũng chính là mảnh đất màu mỡ để kẻ gian kiếm tiền, kẻ gian sẽ thuê nhà đó và tranh thủ trường hợp chủ nhà không cảnh giác (chủ nhà ở xa, chủ nhà lâu lâu mới đến…) và rao bán căn nhà mình đang thuê với giá rẻ bằng bản photo giấy tờ nhà (có thể tạo giả, hoặc xin chủ nhà một bản với lý do để làm thủ tục tạm trú...). Nhiều người ham của rẻ mà không biết “của rẻ là của ôi”, kẻ gian lấy tiền xong thì cao chạy xa bay, khi đấy chủ nhà và người mua nhà từ kẻ gian lại lao vào vụ tranh chấp mà không biết bao giờ sẽ xong.

Kết luận: Để tránh trường hợp mất trắng nhà ở, người dân có nhu cầu giao dịch hoặc thực hiện thủ tục hành chính về nhà ở nói riêng (bất động sản nói chung) cần liên hệ UBND cấp xã nơi có bất động sản cần giao dịch hoặc UBND cấp huyện để tìm hiểu kỹ thông tin và thực hiện đúng quy định của Luật nhà ởLuật đất đai, tránh tình trạng bị lừa gạt, phát sinh tranh chấp sau này.

Thanh Hữu