image

Có nên mua bán nhà đất bằng “giấy viết tay”?

27-03-2018 Tin tổng hợp
Mua bán nhà, đất bằng “giấy viết tay” chỉ có xác nhận nguồn gốc đất của lãnh đạo ấp, khu phố (không có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay công chứng/chứng thực) thì có được pháp luật công nhận và cấp “sổ đỏ”? Nếu lựa chọn mua nhà đất chưa có “sổ đỏ” hoặc mua bằng “giấy viết tay” thì người mua cần lưu ý những gì để hạn chế rủi ro, tranh chấp?

Trường hợp nào được cấp “sổ đỏ”

Để giải quyết thực trạng nhiều trường hợp mua bán nhà đất bằng “giấy viết tay”, Nhà nước đã có những quy định “nới lỏng” thời hạn hợp thức hóa các giao dịch này cho người dân. Cụ thể: năm 2007, người dân được hợp thức hóa việc mua đất trước ngày 01/7/2004 (thời điểm Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực pháp luật); năm 2014 cho phép hợp thức hóa việc mua đất trước ngày 01/01/2008; và kể từ ngày 03/03/2017 mua đất bằng “giấy viết tay” trước ngày 1/7/2014 cũng được cấp “sổ đỏ”. 

Có 2 trường hợp xảy ra. Trường hợp thứ nhất là mua bán nhà đất bằng “giấy viết tay” đối với đất chưa có “sổ đỏ”, thì tại Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai (LĐĐ) đã Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 82 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều LĐĐ, thì các trường hợp đang sử dụng đất (SDĐ) sau đây mà chưa được cấp Giấy chứng nhận (GCN) thì người đang SDĐ thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, cấp GCN QSDĐ, QSH nhà ở… lần đầu theo quy định của LĐĐ và quy định tại Nghị định này mà không phải làm thủ tục chuyển QSDĐ; cơ quan tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu người nhận chuyển QSDĐ nộp hợp đồng, văn bản chuyển QSDĐ theo quy định của pháp luật (nghĩa là các bên chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng không phải lập lại hợp đồng chuyển nhượng theo mẫu, có công chứng/chứng thực): (1) SDĐ do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho QSDĐ trước ngày 01/01/2008; (2) SDĐ do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho QSDĐ từ ngày 01/01/2008 đến trước ngày 01/7/2014 (ngày Luật ĐĐ năm 2013 có hiệu lực pháp luật) mà có giấy tờ về QSDĐ quy định tại Điều 100 của LĐĐ và Điều 18 của Nghị định này; (3) SDĐ do nhận thừa kế QSDĐ trước ngày 01/7/2014.

Trường hợp thứ hai là mua bán nhà đất bằng “giấy viết tay” đối với đất đã có “sổ đỏ”, thì khoản 2 Điều 82 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định: Trường hợp người đang SDĐ do nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, nhận tặng cho QSDĐ trước ngày 01/7/2014 mà bên nhận chuyển QSDĐ chỉ có GCN của bên chuyển QSDĐ hoặc hợp đồng, giấy tờ về chuyển QSDĐ theo quy định thì thực hiện theo quy định như sau: (1) Người nhận chuyển QSDĐ nộp đơn đề nghị cấp GCN và các giấy tờ về QSDĐ hiện có; (2)Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) thông báo bằng văn bản cho bên chuyển quyền và niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã nơi có đất về việc làm thủ tục cấp GCN cho người nhận chuyển quyền. Trường hợp không rõ địa chỉ của người chuyển quyền để thông báo thì phải đăng tin trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương ba số liên tiếp (chi phí đăng tin do người đề nghị cấp GCN đất trả); (3) Sau thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo hoặc đăng tin lần đầu tiên trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương mà không có đơn đề nghị giải quyết tranh chấp thì VPĐKĐĐ lập hồ sơ để trình cơ quan có thẩm quyền quyết định hủy GCN đã cấp đối với trường hợp không nộp GCN để làm thủ tục đồng thời cấp GCN mới cho bên nhận chuyển quyền. 

Trường hợp có đơn đề nghị giải quyết tranh chấp thì VPĐKĐĐ hướng dẫn các bên nộp đơn đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo quy định.

Lưu ý khi mua bán nhà đất bằng “giấy viết tay”

“Giấy viết tay” trong giao dịch nhà đất thường được hiểu là giấy tờ mua bán nhà đất nhưng không được công chứng/chứng thực, do thiếu điều kiện nào đó về CNQSDĐ, quyền sở hữu (QSH) nhà ở theo quy định của pháp luật. Trên thực tế, đã có rất nhiều trường hợp mua bán nhà đất bằng “giấy viết tay” thành công, nhưng cũng có nhiều trường hợp rủi ro xảy ra.

Khi mua nhà bằng “giấy viết tay”, người mua cần lưu ý tham khảo một số điểm. Một là, xem xét về nguồn gốc nhà đất (do khai khẩn, mua bán, thừa kế, tặng cho…), trong đó, cần lưu ý thời điểm sử dụng đất, thực hiện các giao dịch trước đó có ý nghĩa rất quan trọng, bởi nó gắn liền với các quy định của pháp luật đất đai về điều kiện được công nhận QSDĐ, chuyển nhượng, bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất...

Hai là, nhà đất có các giấy tờ để được cấp GCN QSDĐ được quy định tại Điều 100 LĐĐ năm 2013 và Điều 18 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP hay không, cụ thể như: những giấy tờ về QSDĐ trước ngày 15/10/1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp; GCN QSDĐ tạm thời hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15/10/1993; Giấy tờ về QSDĐ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người SDĐ; Sổ mục kê đất, sổ kiến điền lập trước ngày 18/12 năm 1980... 

Ba là, xác nhận quy hoạch nhà đất có thuộc trường hợp được chuyển quyền, chuyển đổi mục đích SDĐ từ đất trồng cây lâu năm, đất nông nghiệp lên đất thổ cư hay không (nếu xét thấy cần thiết); diện tích đất tối thiểu được tách thửa, cấp GCN QSDĐ theo quy định của từng tỉnh, thành phố nơi mua nhà đất.

Bốn là, đất có thuộc trường hợp kê biên đấu giá hay thế chấp để thực hiện một nghĩa vụ dân sự khác không; đất có tranh chấp hay không. Có thể tìm hiểu thông tin từ VPĐKĐĐ, từ cơ quan quản lý và từ nhiều nguồn khác trước khi quyết định giao dịch. 

Năm là, tìm hiểu thông tin nhà đất có thuộc toàn quyền của người bán hay không. Ví dụ, có phải đất được Nhà nước giao cho hộ gia đình hay không, đất thừa kế theo di chúc hay theo pháp luật….

Sáu là, hợp đồng mua bán nên cụ thể về quyền và nghĩa vụ của các bên, đối tượng giao dịch, phương thức thanh toán, cam kết, phạt vi phạm hợp đồng, thời hạn thực hiện, người làm chứng. Hợp đồng không nên sửa chữa, nếu có sửa chữa nhất là những điểm quan trọng thì phải ghi rõ ràng và có các bên ký xác nhận việc sửa chữa. Các bên phải ký vào từng trang của hợp đồng, trang cuối ký và tự ghi họ tên đầy đủ. Đối với người không biết chữ, ít chữ thì cần thiết, điểm chỉ vào hợp đồng.

Bảy là, nếu là mua bán nhà đất bằng giấy viết tay mà người bán đã làm thủ tục để được công nhận QSDĐ, QSH nhà… đang chờ nhận kết quả thì bên mua nên thỏa thuận với bên bán  các phương pháp đảm bảo thủ tục chuyển nhượng sau khi có sổ đỏ. 

Mua bán nhà đất bằng giấy viết tay, nếu có điều kiện là người mua cần “hợp thức hóa” giấy tờ CN QSDĐ, QSH nhà càng sớm càng tốt nhằm tránh những phức tạp, rủi ro phát sinh về sau.

Theo Bùi Đức Độ

http://baophapluat.vn