Đủ chiêu lừa khách hàng mua đất
Ngày 19-3, hàng chục khách hàng mua đất các dự án của Công ty Việt Hưng Phát nhưng không được giao nhà, đất đúng hẹn đã kéo lên lầu 15, tòa nhà 39 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM yêu cầu gặp lãnh đạo công ty này để đòi lại số tiền họ đã thanh toán.
Đáng ngạc nhiên là trong số này không chỉ có khách hàng cũ đã mua đất từ năm 2016, 2017 mà còn có những người mới mua đất đầu năm 2018. Trong khi từ tháng 10-2017, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với Công ty Cổ phần Kim Phát và Công ty Cổ phần Đầu tư Việt Hưng Phát (tháng 10-2017) để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Rao một nơi, bán một nẻo
Ông Trần Thanh Bình phản ánh bị Công ty Việt Hưng Phát lừa đảo tại dự án Dragon Land (Long Đức, Long Thành, Đồng Nai). Theo ông Bình, nhân viên Việt Hưng Phát rao bán đất tại quận 9, TP.HCM nhưng khi mọi người tập trung đi xem đất thì lại chở ra tận huyện Long Thành, Đồng Nai.
“Tới Long Thành, họ nói đất quận 9 hết rồi, sau đó tự dưng nhiều người (sau này chúng tôi mới biết là “chim mồi” của công ty) ào vô tranh nhau mua khiến nhiều người quýnh quáng đặt cọc theo. Sau đó, chúng tôi đề nghị cung cấp hồ sơ pháp lý khu đất nhưng họ đều tìm cách từ chối khéo. Đến nay, nhiều người đóng gần hết giá trị lô đất vẫn không nhận được gì” - ông Bình bức xúc.
Ông Bình cho biết đã đóng gần 200 triệu đồng để mua miếng đất 100 m² được rao bán với giá gần 400 triệu đồng nhưng chưa thấy mặt mũi khu đất. Tự tìm hiểu, ông được biết dự án khu đô thị Dragon Land tại xã Long Đức, huyện Long Thành không phải do Công ty Cổ phần Đầu tư Việt Hưng Phát làm chủ đầu tư…
Cũng vì tin lời nhân viên môi giới của Công ty Kim Phát, chị Võ Thị Bích Hoa đã mua một lô đất ở Đồng Nai thay vì mua ở Bình Chánh như dự định ban đầu. Khi chị thanh toán được 70% giá trị lô đất (tương ứng 280 triệu đồng) mới được nhân viên đưa hợp đồng mua bán. Nhân viên này tiếp tục hứa hẹn sẽ sớm trao giấy hồng, thế nhưng khi chị thanh toán 98% vẫn không thấy giấy đâu.
Ngày 19-3, hàng chục khách hàng đã kéo lên trụ sở Công ty Việt Hưng Phát yêu cầu gặp lãnh đạo công ty này. Ảnh: Q.HUY
“Sau đó, nhân viên công ty nói tôi phải đưa lại phiếu thu tiền, hợp đồng thì họ đưa giấy cho. Tôi cả tin đưa hết giấy tờ trên cho nhân viên Kim Phát nhưng họ vẫn không đưa giấy. Công ty này tiếp tục đòi tôi ký hợp đồng góp vốn vào công ty với đúng số tiền đã nộp, bị buộc vào thế cùng nên tôi phải ký nhưng đến nay giấy hồng không thấy, tôi đòi lại tiền cũng không xong” - chị Hoa chia sẻ.
Trước đó, một cái tên cũng đã làm loạn thị trường bất động sản với chiêu mạo danh chủ đầu tư bán dự án tự “vẽ”, nhận đặt chỗ của khách hàng lên con số tiền tỉ là Công ty Bất động sản Alibaba. UBND TP.HCM đã phải chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tích cực phối hợp với Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46), Bộ Công an để điều tra.
Luật sư Huỳnh Đức Hữu, chuyên về thủ tục nhà, đất, cho biết trường hợp chị Võ Thị Bích Hoa đã gặp phải doanh nghiệp (DN) có dấu hiệu lừa đảo. Bởi các quy định của pháp luật hiện hành (Luật Kinh doanh bất động sản, Đất đai, Nhà ở…) cấm các chủ đầu tư được bán dự án khi chưa đủ điều kiện về hạ tầng, vốn; yêu cầu chủ đầu tư công khai đầy đủ thông tin về sản phẩm; cấm các hình thức gian lận, lừa dối trong kinh doanh...
Theo luật sư Hữu, chị Hoa đã ký hợp đồng mua bán đất nền thì công ty phải giao đất đúng thời gian quy định trong hợp đồng. Việc công ty này tiếp tục yêu cầu khách hàng ký hợp đồng góp vốn có dấu hiệu lừa đảo, bởi sẽ đẩy hết thiệt thòi về phía khách hàng.
“Chị Hoa cần lấy lại hợp đồng mua bán trước đó và gửi đơn tố cáo tới cơ quan công an. Nếu không được giải quyết, chị cần tiếp tục kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi của mình. Đây là hình thức lừa đảo, tôi cảnh báo những người mua khác không nên bị lừa ký hợp đồng góp vốn” - luật sư Hữu nói.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), chỉ ra các thủ đoạn lừa đảo của các DN bất động sản mất uy tín. Thứ nhất là thay đổi tên của dự án (những dự án “chết”, dự án dính tai tiếng trước đây được đổi tên để xóa dấu vết). Thủ đoạn thứ hai là thay đổi tên chủ đầu tư (những chủ đầu tư làm ăn chụp giật, bị báo chí phản ánh, sau đó họ đổi tên DN để tiếp tục lừa khách hàng mới).
Thủ đoạn thứ ba mà một số DN thực hiện là làm lại quy hoạch 1/500, tăng thêm những tiện ích không có thật (tức là lừa dối về mặt thông tin đối với khách hàng). Không những vậy, có những trường hợp DN tự ý thay đổi quy hoạch 1/500, cơ quan chức năng chưa phê duyệt nhưng chủ đầu tư vẫn mang ra rao bán. Thủ đoạn cuối cùng là cố tình chậm giao nhà, đất để chiếm dụng tiền của khách hàng đã đóng...
“Gặp phải những trường hợp trên, khách hàng cần tố cáo lên cơ quan công an hoặc khởi kiện ra tòa. HoREA cũng đã có các văn bản kiến nghị các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn, xử lý những hoạt động lừa đảo của các công ty Việt Hưng Phát, Kim Phát và Alibaba” - ông Châu khuyên.
Những điều cần biết trước khi mua đất Đối với dự án chung cư, chủ đầu tư phải có giấy đỏ, giấy phép xây dựng, bản vẽ quy hoạch 1/500 hoặc bản vẽ tổng mặt bằng, giấy bảo lãnh của ngân hàng. Nếu dự án đang thế chấp phải có văn bản giải chấp của ngân hàng và đồng ý cho huy động vốn, chung cư phải làm xong phần móng... Đó là những điều kiện để chủ đầu tư dự án chung cư được Sở Xây dựng cấp giấy xác nhận được huy động vốn bán nhà hình thành trong tương lai. Đối với đất nền, dự án phải hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng chính gồm đường sá, cống thoát nước, hệ thống cấp nước, cấp điện… Chủ đầu tư muốn bán đất thì thủ tục phải được duyệt hoàn thiện, hợp đồng chuyển nhượng phải rõ ràng, xác minh dự án đó đã hoàn thành chưa. Muốn bán đất nền chủ đầu tư phải có quyết định cho phân lô của UBND tỉnh, thành phố. Luật sư HUỲNH ĐỨC HỮU, Đoàn Luật sư TP.HCM |