Văn bản fax có được coi là chứng cứ, có giá trị pháp lý?
Cụ thể, bị đơn đã cung cấp cho HĐXX Văn bản số 27 ngày 10/8/2017, của nguyên đơn về việc nguyên đơn đã đồng ý theo cam kết của nguyên đơn về việc gia hạn thực hiện hợp đồng cho bị đơn. Theo đó, nguyên đơn gia hạn cho bị đơn giao hàng chậm nhất vào ngày 15/8/2017 và ngày 20/8/2017.Tuy nhiên, bị đơn chỉ cung cấp được văn bản fax và nguyên đơn đã không thừa nhận giá trị pháp lý của văn bản này và yêu cầu phải có bản chính.
Theo phía bị đơn, việc yêu cầu văn bản fax phải có bản chính là yêu cầu phi lý.Bởi lẽ bị đơn nhận bản fax thì không thể có bản chính được do bản chính là nguyên đơn phát hành (tức fax cho bị đơn - PV). Hơn nữa, trên văn bản fax đã thể hiện rõ số fax của nguyên đơn (số fax này được ghi trong phần thông tin của nguyên đơn trong hợp đồng), ngày giờ gửi, tên của công ty nguyên đơn. Chính vì vậy văn bản này cần phải được thừa nhận giá trị pháp lý của nó. Về phía nguyên đơn, nguyên đơn cho rằng do bị đơn không cung cấp được bản chính nên nguyên đơn không có ý kiến xác thực hay không?!
Liên quan đến vấn đề này, theo Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư TP HCM – đại diện cho bị đơn tại phiên tòa cho biết:Theo Điều 10 Luật Giao dịch điện tử năm 2005, fax là một trong các hình thức thể hiện thông điệp dữ liệu trong giao dịch điện tử cũng như email, điện tín, điện báo,… Điều 11 Luật này còn quy định rõ giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu, trong đó có văn bản fax là thông tin trong thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì thông tin đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu.
Tại Điều 13 Luật Giao dịch điện tử cũng quy định, thông điệp dữ liệu có giá trị như bản gốc khi đáp ứng được các điều kiện như: Nội dung của thông điệp dữ liệu được bảo đảm toàn vẹn kể từ khi được khởi tạo lần đầu tiên dưới dạng một thông điệp dữ liệu hoàn chỉnh (nội dung của thông điệp dữ liệu được xem là toàn vẹn khi nội dung đó chưa bị thay đổi, trừ những thay đổi về hình thức phát sinh trong quá trình gửi, lưu trữ hoặc hiển thị thông điệp dữ liệu); nội dung của thông điệp dữ liệu có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết.
Từ đó, Luật sư Vũ đúc kết rằng:Văn bản fax trong trường hợp này cũng có giá trị như bản gốc. Tại Điều 14 Luật Giao dịch điện tử quy định rất rõ rằng: “Thông điệp dữ liệu, trong đó có fax, có giá trị chứng cứ, thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị dùng làm chứng cứ chỉ vì đó là một thông điệp dữ liệu”. Như vậy, văn bản được gửi qua fax đã được xem như bản gốc, có giá trị pháp lý, có giá trị chứng cứ.Việc TAND quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ nhận định mà không thực hiện thủ tục xác minh từ bên thứ ba cung cấp dịch vụ chuyển fax cũng là thiếu sót nghiêm trọng trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ.
Tuy nhiên, theo quan điểm của vị đại diện VKS tại phiên tòa cũng như nhận định của HĐXX trong phần tuyên án, việc xem xét tính pháp lý của văn bản fax đã không được đánh giá đầy đủ, mặc dù văn bản này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc xác định bị đơn có nghĩa vụ giao hàng hay không. Nội dung tuyên án hoàn toàn không có bất kỳ nội dung nào căn cứ theo Luật Giao dịch thương mại điện tử để nhận định, đánh giá về tính pháp lý của văn bản fax mà bị đơn đã cung cấp.Điều đó cũng cho thấy giữa quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng, xét xử vẫn còn những khoảng cách nhất định.
Thiết nghĩ, một vụ án liên quan đến một vấn đề nào đó đã được pháp luật quy định cụ thể, rõ ràng thì các cơ quan tiến hành tố tụng cần áp dụng một cách khách quan, đúng pháp luật. Có như thế thì sự việc mới được làm rõ, tránh gây thiệt hại cho các bên…
Chưa phân định rõ lỗi của các bên và thiệt hại của nguyên đơn
Trong suốt diễn biến phiên tòa, vấn đề lỗi của mỗi bên chưa được đánh giá, phân định rõ một cách khách quan và toàn diện. Tại phiên tòa, bị đơn cho rằng chưa đến hạn thực hiện hợp đồng theo thời gian đã được gia hạn tại văn bản fax ngày 10/8/2017 (gia hạn đến ngày 15 và 20/8) nhưng đến ngày 12/8/2017, nguyên đơn đã đến kho hàng của bị đơn để lấy hết bao bì về thì nguyên đơn đã xâm phạm quyền sở hữu, quản lý tài sản của bị đơn và đó là hành vi vi phạm, ngừng thực hiện hợp đồng của nguyên đơn, nguyên đơn có lỗi trong việc bị đơn không thực hiện được hợp đồng (do không có bao bì). Tuy nhiên, vấn đề này chưa được làm rõ nhưng bị đơn bị xem là hoàn toàn có lỗi trong việc thực hiện hợp đồng và phải chịu toàn bộ trách nhiệm về phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại.
Bên cạnh đó, theo bị đơn, việc xác định thiệt hại của nguyên đơn cũng chưa được thỏa đáng. Tại phiên tòa, nguyên đơn cung cấp được một số hợp đồng mới của bên thứ ba và có xác nhận của bên thứ ba về việc ký kết và thực hiện hợp đồng này. Tuy nhiên, việc thực hiện thực tế như thế nào, nguyên đơn đã mua thêm bao nhiêu hàng từ bên thứ ba, giao nhận như thế nào, thanh toán bao nhiêu tiền, thì cần phải xác minh rõ ràng hơn với những chứng cứ có giá trị pháp lý chứ không thể chỉ dựa vào lời khai, xác nhận của hai bên mua - bán với nhau vì không đảm bảo tính khách quan.
Đình Thương
Theo baophapluat.vn